Việt Nam vô địch bóng đá SEA Games truyền cảm hứng đến bạn bè quốc tế
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV họp tập trung trong thời gian 20 ngày (khai mạc từ ngày 23/5, bế mạc vào ngày 17/6). Trong thời gian họp, Quốc hội xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến với 6 dự án luật khác.
Biểu dương những thành công xuất sắc
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3 sáng 23/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến thành công vang dội của SEA Games 31, đặc biệt là thành tích đặc biệt xuất sắc - bảo vệ ngôi vô địch của cả bóng đá nam và bóng đá nữ Việt Nam đã và đang truyền cảm hứng đến đồng bào trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế.
"Quốc hội đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng của Chính phủ, các cấp ngành, Hà Nội và các tỉnh thành đăng cai đại hội. Đặc biệt biểu dương những thành tích xuất sắc của các đoàn thể thao Việt Nam đã góp phần tạo nên một kỳ SEA Games thành công, ấn tượng và lắng đọng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 3, diễn ra sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII với nhiều quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất về các báo cáo, tờ trình của Chính phủ. Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Theo quy định pháp luật hiện hành, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua quyết toán ngân sách nhà nước sau khoảng 18 tháng kể từ năm ngân sách kết thúc.
"Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi đây là "việc đã rồi", tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm qua", ông Huệ nói.
Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 năm 2022, về các kế hoạch 5 năm 2021-2025, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản ở trong và ngoài nước để đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, chỉ rõ những khó khăn, thách thức phải vượt qua và hiến kế, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Người đứng đầu cơ quan lập pháp đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi đây là "việc đã rồi", tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm qua, như: Ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp; sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra, cơ quan chức năng khác chưa đạt mục tiêu…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm về tài chính, ngân sách Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác này cũng như hiệu quả, chất lượng xem xét quyết toán ngân sách Nhà nước của Quốc hội.
Quốc hội xem xét nhiều vấn đề quan trọng
Trong kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong kỳ họp, Quốc hội dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông lớn: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP HCM; đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Báo cáo Chính phủ gửi đến Quốc hội cho biết, so với báo cáo tại kỳ họp 2 thì kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có "một số thay đổi tích cực" như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo…
Song có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (tăng 1 chỉ tiêu là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%). Với những tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý I đạt khá, ước tăng 5,03% so với cùng kỳ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tình hình đăng ký kinh doanh rất tích cực. Tính chung 4 tháng, có hơn 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Chính phủ nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Trước kỳ họp, Quốc hội nhận được 18 báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội, có 29 nhóm vấn đề liên quan đến Thủ tướng, Tòa án và 14 bộ trưởng, trưởng ngành.
Ngày 23/5 là hạn cuối để nhận đề nghị của các đoàn đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Sau khi tổng hợp báo cáo của MTTQ Việt Nam và xin ý kiến đại biểu sẽ tổng hợp để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới quyết định vấn đề chất vấn.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, trong 29 nhóm vấn đề được các đoàn đại biểu nêu ra, trong đó có ý kiến liên quan đến thị trường chứng khoán, đất đai. "Đó đang là những vấn đề đang được cử tri, nhân dân quan tâm. Còn đưa ra chất vấn nội dung nào tại kỳ họp thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trong kỳ họp trước, Bộ trưởng liên quan đến lĩnh vực đó đã trả lời chất vấn hay chưa", ông Bùi Văn Cường cho hay.