1. Trang chủ /
  2. VĨNH PHÚC: Nhiều tình tiết cần làm rõ trong một vụ “Tranh chấp thừa kế”

VĨNH PHÚC: Nhiều tình tiết cần làm rõ trong một vụ “Tranh chấp thừa kế”

thứ sáu, 5/8/2022 14:10 GMT+07
(PLM) - Không đồng tình với quyết định của Hội đồng xét xử TAND tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình giải quyết vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản”, bà Trần Thị Dương trú tại số nhà 1, ngõ 2 phố Chiền, phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.

Bản án sơ thẩm bị kháng cáo

Theo hồ sơ, bố mẹ bà Dương là cụ Trần Văn Thạch và cụ Đoàn Thị Mến (đã mất) có 5 người con đẻ gồm: bà Trần Thị Bình, ông Trần Sinh (mất năm 2005, vợ là bà Phạm Thị Sự), bà Dương, bà Trần Thị Hòa, bà Trần Thị Hảo và 1 người con nuôi là bà Trần Thị Gái.

Cụ Thạch, cụ Mến tạo dựng được khối tài sản chung 587m2 đất (qua đo đạc thực tế là 591,1m2) thuộc thửa số 13, tờ bản đồ 12, tại số nhà 36 ngõ Nhà Thờ, đường Trần Quốc Toản, phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đứng tên cụ Thạch, trên đất có 3 gian nhà thờ, 1 căn nhà cấp bốn 3 gian và 4 gian nhà ngang. Trước khi mất, cụ Thạch, cụ Mến không để lại di chúc.

Đến năm 2010, bà Dương, bà Bình, bà Hảo và gia đình bà Sự phá 3 gian nhà thờ cũ, xây 3 gian nhà thờ mới. Sau đó, bà Dương và các đồng thừa kế yêu cầu bà Sự và các con chia tài sản thừa kế của cụ Thạch, cụ Mến theo quy định. Gia đình bà Sự không đồng ý. Bà Dương khởi kiện, đề nghị TAND TP Vĩnh Yên chia di sản cho các đồng thừa kế.

Sau đó, bà Dương thay đổi yêu cầu khởi kiện, đề nghị để lại phần khuôn viên đã làm nhà thờ diện

tích 201,4m2 , trong đó diện tích nhà thờ 53,8m2 là tài sản chung của tất cả các đồng thừa kế. Diện tích còn lại chia cho các đồng thừa kế theo pháp luật.

Ngày 7/10/2021 TAND Vĩnh Yên đưa vụ kiện ra xét xử và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dương, chia tài sản thừa kế cho những người được hưởng như sau: Các bà Dương, Gái, Hảo, anh Dương Đức Thịnh (con bà Hòa, đã mất) 337,6m2 đất, trong đó có 112m2 đất ở và 225,6m2 đất vườn (kỷ phần mỗi người 88,4m2, trong đó 28m2 đất ở và 56,4m2 đất vườn).

Chia cho bà Sự và anh Trần Văn Thành, anh Trần Văn Hậu, chị Trần Thanh Phương (con bà Sự và ông Trần Sinh) 253,2m2, trong đó có 84m2 đất ở và 169,2m2 đất vườn. Với kỷ phần thừa kế của ông Sinh, giao bà Sự quản lý, khi các đương sự có yêu cầu sẽ được giải quyết bằng vụ án khác. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bà Dương và những người có quyền lợi liên quan kháng cáo.

Vì sao không để nhà thờ dòng họ làm tài sản chung?

Ngày 26/7, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đưa vụ kiện ra xử phúc thẩm, Quyết định sửa bản án sơ thẩm số 15 ngày 7/10/2021 của TAND Vĩnh Yên, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Dương chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật; Chia cho bà Sự và anh Thành, anh Hậu, chị Phương (con bà Sự và ông Trần Sinh) 253,2m2, trong đó 85,8m2 đất ở và 167,7m2 đất vườn và sở hữu các tài sản trên diện tích quản lý sử dụng theo mốc giới.

Chia cho bà Dương 148,8m2 đất, trong đó 47,1m2 đất ở và 101,7m2 đất vườn. Chia cho bà Hảo 188,8m2, trong đó có 67,1m2 đất ở và 121,7m2 đất vườn và quyền sở hữu nhà (phần nhà thờ tổ - PV) theo mốc giới.

Bà Sự, anh Thành, anh Hậu, chị Phương có nghĩa vụ thanh toán cho bà Gái số tiền chênh lệch về tài sản hơn 778 triệu đồng; bà Hảo thanh toán cho anh Dương Đức Thịnh số tiền chênh lệch về tài sản hơn 1,6 tỷ đồng; bà Dương thanh toán cho bà Gái số tiền chênh lệch về tài sản hơn 884 triệu đồng. Bà Dương và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho biết, trong vụ án này cả hai cấp tòa đã không chấp nhận yêu cầu đề nghị để lại phần khuôn viên đã làm nhà thờ diện tích 201,4m2 là tài sản chung của tất cả các đồng thừa kế là chưa thỏa đáng. Việc này khiến nhiều người trong gia đình hết sức không đồng tình.

Trên thực tế, trước khi xây dựng nhà thờ mới, các anh em trong gia đình đã thống nhất giữ lại phần diện tích đất này để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Việc này dù không được lập thành văn bản nhưng việc các anh em trong gia đình cùng nhau đóng góp để xây dựng nhà thờ đã thể hiện nguyện vọng, mục đích và ý chí về việc để lại phần diện tích này là tài sản chung của tất cả các đồng thừa kế.

Ngoài ra, ngoài việc ông Sinh được hưởng 1 kỷ phần thừa kế, HĐXX sơ thẩm còn quyết định chia cho bà Sự, ông Sinh 1 kỷ phần thừa kế nữa “do có công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản thừa kế”; theo bà Dương, cũng là chưa xem xét đầy đủ, toàn diện các tình tiết chứng cứ khách quan của vụ việc.

“Bởi trong quá trình trông nom khối tài sản của 2 cụ để lại, vợ chồng bà Sự đã tự ý nhiều lần bán

đi diện tích đất mà 2 cụ để lại, do đó không thể cho rằng vợ chồng bà Sự có công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản thừa kế được. Tại hai cấp tòa, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị làm rõ nội dung này nhưng đã không được HĐXX xem xét, toàn bộ các tình tiết, chứng cứ, lời khai của chúng tôi đã bị bỏ qua”, bà Dương phản ánh.

Bà Dương cùng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có đơn gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét khách quan, toàn diện vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 217 ra ngày 5/8/2022)