VIVASO xin ngừng thoái vốn để làm phim trở lại, nghệ sỹ phản đối
Sau thông tin nhà đầu tư chiến lược Tổng công ty Vận tải thủy-CTCP (VIVASO) đề xuất được trở lại sản xuất phim nhằm giải quyết các vướng mắc do chưa thể thoái vốn tại Hãng phim truyện, các nghệ sỹ đã lên tiếng phản đối.
"Điều cần làm bây giờ là xử lý sai phạm theo đúng Kết luận của Thanh tra Chính phủ, là VIVASO buộc phải thoái vốn. Hãy nhìn lại 7 năm qua xem họ đã làm gì, từ cách họ đối xử với vật tư, đạo cụ, đến con người chúng tôi còn bị họ 'thả rơi' không thương tiếc," Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân cho biết quan điểm.
Đạo diễn Đặng Thu Trang cũng có chung quan điểm, cho rằng nếu nhà đầu tư có tâm và có tầm thì việc này đã có thể được thực hiện từ nhiều năm trước rồi chứ không cần đợi tới bây giờ.
Không chỉ vậy, các nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam và phía VIVASO vẫn đang gặp bất đồng về cách xử lý cho gần 300 bộ phim nhựa đã hư hại do hỏng điều hòa kho chứa.
Nghệ sỹ Ưu tú-Nhà quay phim Vũ Đức Tùng khẳng định quan điểm chung của các nghệ sỹ vẫn là yêu cầu VIVASO phải in đền bù. Ông Vũ Đức Tùng là một trong hai người đại diện phần vốn Nhà nước tại Hãng phim.
"Chúng tôi vẫn muốn đấu tranh, bởi họ đã hủy hoại tài sản của chúng tôi. Các nghệ sỹ đều rất bức xúc khi VIVASO gọi việc duy trì bản quản phim là lãng phí tốn kém," ông Vũ Đức Tùng cho biết.
Trước đó vào ngày 7/4, VIVASO đã trình lên Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 đề xuất nhằm tháo gỡ các vướng mắc chưa thể thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Ba đề xuất bao gồm: Một là cho phép VIVASO đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng theo đúng mục tiêu ngành nghề sản xuất phim và văn hóa điện ảnh, đầu tư đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; hai là đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử người đại diện vốn Nhà nước có đủ chuyên môn kinh nghiệm và uy tín tham gia Hội đồng quản trị, bầu đúng người do Bộ giới thiệu để giữ chức Tổng giám đốc và cam kết hỗ trợ trong điều hành doanh nghiệp; ba là ngay sau khi có Tổng giám đốc mới và kiện toàn bộ máy, VIVASO sẽ lập tức đầu tư tiền sản xuất phim theo yêu cầu của Tổng giám đốc.
Đại diện VIVASO, chủ tịch hội đồng quản trị ông Nguyễn Thủy Nguyên cho rằng ba nội dung trên sẽ giải quyết được nghi ngờ của nghệ sỹ và dư luận. Cụ thể là nghi ngờ VIVASO "đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam không làm phim mà vì mục đích chiếm đất để làm bất động sản và không có chuyên môn về lĩnh vực sản xuất phim."
Nội dung trong đơn đề nghị cũng cho rằng: Phương án này sẽ giúp Nhà nước không phải dùng ngân sách để mua lại cổ phần và đầu tư tiền vào doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Song nếu không thực hiện được, phía VIVASO cũng xin giới thiệu nhà đầu tư mới để chuyển nhượng đúng theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó vào năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện dự án phim "Người yêu ơi" do Nhà nước rót vốn. Tuy nhiên do không tin vào khả năng của nhà đầu tư mới - Tổng công ty Vận tải thủy-CTCP, nên nghệ sỹ đã gửi đơn thư yêu cầu ngừng dự án. Đến nay bộ phim bị "treo," không thể thực hiện sau nhiều năm.
Cuối 2022, đầu 2023, VIVASO cho biết đã thực hiện serie phim truyền hình 5 tập về đề tài Tết với một hãng tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy tính từ thời điểm cổ phần hóa tới nay, nhà đầu tư chiến lược và nhân sự của Hãng phim chưa từng có dự án cùng hợp tác./.