Vốn FDI đang quay trở lại
Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn
Dịch bệnh đã khiến việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 2 năm qua có sự suy giảm. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là điểm sáng của nền kinh tế. Và khi cánh cửa đầu tư được mở rộng hơn, các chính sách đi lại dễ dàng hơn thì việc hút vốn ngoại được kỳ vọng lớn hơn. Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói: “Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến với Việt Nam”.
Cùng với kỳ vọng của người đứng đầu Bộ kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong quí I/2022 tiếp tục tăng cao. Trong đó DN đến từ châu Âu, Hoa Kỳ… có những dự báo tích cực cho sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
“Việt Nam vẫn tiếp tục là một trung tâm sản xuất và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mặc cho những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị và tình hình dịch bệnh”- lời nhận xét cả khách quan lẫn lạc quan này đến từ một báo cáo của Ngân hàng Standart Chartered.
Nhưng nhận xét đó không chỉ là cá biệt, hiện có rất nhiều tổ chức quốc tế đưa ra những đánh giá tương đồng về môi trường đầu tư của Việt Nam. Chẳng hạn Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (Business Climate Index - BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vừa công bố cho biết, mở màn quý I/ 2022, BCI đã tăng lên 73 điểm phần trăm. Đây là minh chứng rõ nhất cho niềm tin của các DN châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng.
Thật vậy, phần lớn lãnh đạo các DN châu Âu đều tỏ ra lạc quan hơn, với việc Việt Nam nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế. EuroCham cũng ghi nhận rằng lãnh đạo các DN châu Âu đang có những dự báo tích cực cho sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Hơn 2/3 số người được hỏi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quí II/2022, trong khi quí IV/2021 chỉ 58% có dự đoán tích cực.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Eurocham tại Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm: Khi dịch Covid -19 dần được kiểm soát, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực và EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.
Dòng vốn đang trở lại
Ngay trong quý I/2022, điểm sáng của bức tranh FDI là việc tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức được trao chứng nhận đăng ký đầu tư dự án 1 tỷ USD tại Bình Dương. Dự án xanh của Lego được cấp chứng nhận đầu tư được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cũng như mở đầu cho làn sóng đầu tư mới của DN châu Âu vào Việt Nam.
Trong khi đó các thông tin mới về FDI tiếp tục lộ diện, như Công ty Công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch sẽ mở chi nhánh trung tâm phần mềm mới tại Hà Nội trong tháng 2, sau khi trung tâm tại TPHCM đạt hơn 2.600 kỹ sư trình độ cao. Mục tiêu của Bosch là sẽ nâng đội ngũ kỹ sư phần mềm ở Việt Nam lên hơn gấp đôi vào năm 2025, đạt 6.000 người.
Nestlé đã công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai). Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD.
Hay như đầu năm 2022, Samsung đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD vào Nhà máy Samsung Điện cơ (SEMV), qua đó nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên trên 19 tỷ USD, tăng gấp hơn 28 lần so với cam kết ban đầu (670 triệu USD) hồi năm 2008, tiếp tục khẳng định vị thế nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, theo ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, trong kế hoạch phát triển của mình, Samsung sẽ từng bước đưa Việt Nam không chỉ trở thành cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu, mà còn là trung tâm chiến lược về R&D của Tập đoàn.
Thực tế cũng đang chỉ ra nhiều DN công nghệ lớn trên thế giới đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất của khu vực trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và da giày.
Bà Phí Thị Phương Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, phân tích kỹ các số liệu về vốn FDI trong quý I đã cho thấy một số yếu tố tích cực. Trong số DN đăng ký trong quý I có số dự án cấp mới tăng 37,6%, số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 41,6% và số lượt dự án góp vốn mua cổ phần giữ ổn định so với năm 2021. Như vậy có thể thấy số lượt dự án cấp mới, bổ sung vốn, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần có xu hướng chung là tăng lên so với quý I cùng kỳ. Điều này là minh chứng cho thấy các nhà đầu tư đã coi Việt Nam là điểm đầu tư an toàn, đồng thời thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với hoạt động sản xuất cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam. Vốn thực hiện trong quý I cũng có mức tăng so với năm 2020 và 2021 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Như vậy những con số trên đã phản ánh xu hướng phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế cũng như xu hướng thu hút đầu tư trong quý I/2022.
Giải pháp tăng sức hấp dẫn
Không thể phủ nhận, cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Thời gian tới Việt Nam cần tập trung tìm ra các biện pháp có thể phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tạo thêm động lực tốt cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ lẫn khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff lưu ý trong tình hình hiện nay, điều quan trọng là Chính phủ phải tập trung vào việc làm sao để Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn và cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa. Việc thay đổi các quy hoạch tổng thể và hướng dẫn thi hành của địa phương là điều không nên, cần tránh trì hoãn thực hiện quy hoạch hoặc bất kỳ tác động tiêu cực nào đến địa điểm và quá trình triển khai dự án đầu tư. Bên cạnh đó, sự minh bạch và tính dễ đoán trong hệ thống thuế tăng lên cũng sẽ củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Do vậy, để tiếp tục duy trì và tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút DN FDI, nước ta cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút DN FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các DN, nhà đầu tư.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình cần thiết để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính,…
Thứ tư, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.
Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội DN, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư, lên danh sách các DN đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam.
Đồng thời, cần chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ DN trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gãy về nguồn lao động. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như Mỹ, EU... ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp, thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...
TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng: Thu hút FDI công nghệ là hướng đi đúng
Khu vực FDI là động lực quan trọng của phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện nay, bối cảnh thay đổi thì cách tiếp cận FDI phải thay đổi. Cụ thể, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhân lõi chính là sự phát triển kinh tế số đòi hỏi sự dịch chuyển FDI về công nghệ. Việt Nam cũng đã chọn thu hút FDI công nghệ. Đây là hướng đi hoàn toàn đúng.
Cùng với đó, Việt Nam là nền kinh tế mở cửa, vì vậy những biến động trong mối quan hệ kinh tế quốc tế đang ảnh hưởng mạnh tới Việt Nam. Trong đó, dưới tác động của dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến luồng đầu tư dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc rất mạnh. Đây là cơ hội của Việt Nam.
3 điểm cơ bản mà Việt Nam phải đánh giá là “lực, thế, đà” đã được nâng lên rõ rệt. Điều này đang đặt Việt Nam ở cách tiếp cận khác thu hút FDI trong giai đoạn tới nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn này, từ đó trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục loại bỏ những quy định không phù hợp
Bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch Covid-19 bùng phát đồng thời cũng đã tạo sức ép để chúng ta hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy, thực hiện Chính phủ điện tử, tiếp tục theo hướng là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Các bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh việc rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để loại bỏ hoặc điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cho DN thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường...