VỤ 2 DU THUYỀN “GHÉP ĐÔI” TẠI QUẢNG NINH”: Xử phạt 6 triệu đồng có đủ mức “răn đe”?
Việc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh chỉ xử phạt hành chính 6 triệu đồng đối với thuyền trưởng liệu có thỏa thích đáng khi số tiền này chưa bằng giá trị của 2 vé du lịch.
Bữa tiệc “vô tiền khoáng hậu”
Trước đó, trên mạng xã hội có lan truyền một số video về bữa tiệc của Câu lạc bộ Giám đốc CDC Miền Bắc cùng “đối tác” diễn ra tối 30/6. Bữa tiệc được cho là diễn ra trên 2 du thuyền sang trọng tại Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của khoảng 140 du khách trong hành trình 2 ngày 1 đêm tham quan và nghỉ đêm trên vịnh. Những khách tham dự tiệc là đại diện của CDC nhiều tỉnh, thành miền Bắc và “đối tác”, trong đó có ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc CDC Quảng Ninh cùng phu nhân.
Điều đáng nói, 2 du thuyền (Âu Cơ 1 và Âu Cơ 2, thuộc Tập đoàn Du thuyền Bhaya, trụ sở tại Khu đô thị Cảng Ngọc Châu, thành phố Hạ Long) trong khi đang lênh đênh trên biển đã cập mạn vào nhau để du khách có thể tự do qua lại giao lưu trên sân thượng - nơi diễn ra bữa tiệc.
Liên quan đến sự việc, ngày 9/8, căn cứ biên bản vi phạm hành chính, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt 6 triệu đồng đối với ông Nguyễn Văn T (SN 1971, ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), là thuyền trưởng tàu Âu Cơ 1, số đăng kí QN 8889 do có hành vi làm mất an toàn của phương tiện; xử phạt 6 triệu đồng đối với ông Nguyễn Tiến B (SN 1972, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là thuyền trưởng tàu Âu Cơ 2.
Theo Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, luật không cấm ghép tàu khi dừng đỗ nhưng việc để hành khách qua lại giữa hai phương tiện, nhất là khi không ở sát bờ là có nguy cơ mất an toàn.
Xử phạt chưa thích đáng?
Nhận định về sự việc, Luật sư Vũ Thị Nhung – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tại khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004 có quy định: “Phương tiện thuỷ nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa”. Vì vậy, có thể xác định du thuyền Âu Cơ 1 và Âu Cơ 2 là một loại phương tiện thuỷ nội địa và mọi hoạt động, vận chuyển, vận tải phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật của giao thông đường thuỷ nội địa.
Theo đó, luật không cấm ghép các tàu khi đỗ, nhưng trường hợp để hành khách của các tàu thường xuyên qua lại giữa các tàu, nhất là ở vị trí không sát bờ thì đã vi phạm về an toàn, trật tự giao thông như xác định của Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, cần làm rõ nhiều chi tiết đằng sau vi phạm trên như: hai thuyền trưởng của hai du thuyền thực hiện hành vi “ghép đôi”, tạo điều kiện cho du khách qua lại có thực hiện theo chỉ đạo của ai, của đơn vị sử dụng lao động hay của các “thượng đế” đang có mặt trên tàu.
Theo Luật sư Nhung, tại Điều 8 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004 có quy định những hành vi bị cấm trong giao thông thuỷ nội địa, trong đó có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hoặc cho phép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa”.
Như vậy, trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ chứng minh được cá nhân, nhóm người nào đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chỉ đạo người khác thực hiện hành vi trái quy định, có nguy cơ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của hành khách thì cần xử lý nghiêm, mang tính răn đe. Từ đó, đảm bảo tính khách quan trong quá trình chấp hành pháp luật cũng như ngăn ngừa các hành vi làm mất an toàn đường thuỷ nội địa tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Mặt khác, nếu hành vi ghép hai du thuyền theo chỉ đạo của chủ sử dụng lao động của thuyền trưởng, của đơn vị sở hữu du thuyền thì cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm cũng như đánh giá lại điều kiện ngành nghề của doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga, sự việc đang thu hút đông đảo dư luận và người dân quan tâm, không chỉ bởi sự xa hoa, tráng lệ của bữa tiệc này mà còn là vì mức xử phạt của Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh.
Hai phương tiện giao thông có giá trị lớn quyết định hơn một trăm sinh mạng của hành khách nhưng lại thực hiện hành vi không đảm bảo an toàn đường thuỷ nội địa mà chỉ xử phạt mức 6 triệu đồng đối với thuyền trưởng liệu có thích đáng. Với mức xử phạt chưa bằng hai suất vé du lịch này, có thể rất nhiều cá nhân, đơn vị sẽ chấp nhận nộp phạt để thể hiện sự “chịu chơi” của mình khi tiếp thực hiện “ghép đôi” du thuyền trên biển.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 223 ra ngày 11/8/2022)