Vụ án tại Công ty Tân Thuận: Bị cáo Tất Thành Cang bị đề nghị 8-10 năm
Ngày 13/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Xây dựng Tân Thuận). Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã luận tội và đề nghị mức án đối với 10 bị cáo trong vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội nên cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Trong đó, bị cáo Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Tân Thuận) có vai trò chủ mưu, xuyên suốt toàn bộ các hành vi phạm tội. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Công Thiện từ 15 đến 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”
Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Thiện đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Tân Thuận để thực hiện và chỉ đạo cán bộ trong Công ty thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển và dự án Khu dân cư Ven sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Với cương vị, chức trách được giao, bị cáo Trần Công Thiện phải biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, đưa ra đấu giá và các quy định pháp luật khác có liên quan nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục để chuyển nhượng dự án; ký văn bản đề nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, một phần dự án Khu dân cư Ven sông, ký hợp đồng và các văn bản khác hoàn tất việc chuyển nhượng 2 dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 735 tỉ đồng.
Quá trình điều tra cũng như qua phần thẩm vấn trực tiếp tại phiên tòa, lúc đầu bị cáo thừa nhận hành vi nhưng cho rằng Công ty Xây dựng Tân Thuận thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố, không phải là tài sản Nhà nước nên hành vi của bị cáo không cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí." Tuy nhiên, sau đó, bị cáo đã nhận thức lại, thừa nhận cáo trạng truy tố mình là đúng và ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình.
Đại diện Viện Kiểm sát luận tội, là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Tất Thành Cang buộc phải biết rõ các quy định của Nhà nước đối với chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư tại dự án khu dân cư Phước Kiển. Mặc dù vậy bị cáo bút phê “đồng ý” vào Tờ trình số 1206 ngày 25/5/2015 của Văn phòng Thành ủy xin Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trương cho Công ty Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư tại dự án Khu dân cư Phước Kiển với giá chuyển nhượng là 1.290.000đ/m2 mà không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy quyết định.
Hậu quả của việc chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư tại dự án khu dân cư Phước Kiển gây thất thoát tài sản của Nhà nước là vốn của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh số tiền hơn 202 tỉ đồng. Hành vi của bị cáo Tất Thành Cang đã phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra bị cáo cho rằng mình không phạm tội, tuy nhiên qua phần thẩm vấn trực tiếp tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận cáo trạng truy tố mình là đúng.
Đối với các bị cáo còn lại, đại diện Viện Kiểm sát cũng phân tích cụ thể hành vi phạm tội. Trong đó nhận định các bị cáo Trần Tấn Hải, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Hoàng Việt có vai trò hạn chế; bị cáo Tất Thành Cang có sai phạm nhưng tài sản Nhà nước bị thất thoát ở dự án Phước Kiển đã được khắc phục, Nhà nước thu hồi được toàn bộ tài sản thất thoát.
Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị, Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí,” với mức án: Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 8 đến 10 năm tù), Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) 13-15 năm tù, Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy) 11-13 năm tù, Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xây dựng Tân Thuận) 9-11 năm tù.
Các bị cáo Trần Tấn Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty), Nguyễn Thị Ngọc Bích (nguyên Kế toán trưởng Công ty), Nguyễn Xuân Tùng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp) bị đề nghị mức án từ 6 đến 8 năm tù. Hai bị cáo Phan Thanh Tân (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy) và Nguyễn Hoàng Việt (nguyên Kiểm soát viên Công ty) từ 4 đến 5 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện Kiểm sát nhận định, dự án Khu dân cư Ven sông đã được Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng. Việc thu hồi dự án sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và mất an ninh trật tự khu vực nên đề nghị không thu hồi mà cần buộc các bị cáo Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân, Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Nguyễn Văn Minh, Trần Tấn Hải, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Ngọc Bích và Nguyễn Hoàng Việt phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền hơn 283 tỉ đồng cho Nhà nước, tương ứng với trách nhiệm hình sự của mỗi bị cáo đối với hành vi chuyển nhượng tại dự án này.
Sau phần luận tội và đề nghị mức án, phiên tòa bước sang phần tranh luận./.