1. Trang chủ /
  2. Vụ cháy làm 56 người tử vong ở Khương Hạ: Ai chịu trách nhiệm?

Vụ cháy làm 56 người tử vong ở Khương Hạ: Ai chịu trách nhiệm?

thứ năm, 14/9/2023 21:11 GMT+07
Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xung quanh một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) làm 56 người tử vong và 37 người bị thương.

PV: Vụ cháy thương tâm ở phố Khương Hạ gây ra mất mát to lớn về người và tài sản. Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ chung cư mini. Xin Luật sư cho biết chủ chung cư này có thể phải đối diện với mức phạt nào và trách nhiệm bồi thường ra sao?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với chủ ngôi nhà này về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy người này có giấy phép xây dựng ngôi nhà thuộc loại nhà ở riêng lẻ 6 tầng chứ không phải là chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư. Nhưng thực tế thì ngôi nhà này được xây dựng tới 9 tầng và một tum, nghĩa là đã vượt số tầng so với giấy phép xây dựng.

vu-chay-o-ha-dinh.jpg
Một nạn nhân trong vụ cháy được đưa đi cấp cứu

Với hậu quả đặc biệt lớn của vụ cháy, chủ đầu tư công trình có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 313 bộ luật hình sự:

Ngoài trách nhiệm hình sự, người phạm tội trong vụ án này còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân thiệt hại bao gồm: chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần tới 50 tháng lương cơ sở đối với những người bị thương tích.

Đối với những nạn nhân đã tử vong thì phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền tổn thất tinh thần cho thân nhân của nạn nhân và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, người phạm tội trong vụ án này cũng có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản trên cơ sở giá trị tài sản đã bị thiệt hại trên thực tế đối với những người bị hại. Thiệt hại về tài sản trong vụ án này sẽ rất lớn. Cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ trưng cầu định giá tài sản để xác định thiệt hại về tài sản, làm cơ sở quyết định về tội danh và hình phạt đối với bị can trong vụ án này.

PV: Nếu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây cháy là do chập điện thì trách nhiệm của chủ chung cư có thay đổi gì không?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, đánh giá tính chất mức độ hành vi vi phạm, xác định hậu quả đã gây ra đối với các nạn nhân và xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh nguyên nhân cháy do chập điện thì có căn cứ để khởi tố đối với chủ đầu tư công trình này về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

vu-chay-o-ha-dinh1.jpg
Cơ quan chức năng xác định vụ cháy khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương

Nếu trường hợp vụ cháy là do có người "cố ý" phóng hỏa để đốt nhà dẫn đến hậu quả cháy nhà chết người thì đây là hành vi giết người, hủy hoại tài sản, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người và tội hủy hoại tài sản.

Còn trường hợp nguyên nhân vụ cháy không phải có lỗi cố ý, mà là do nguyên nhân khách quan nhưng do người quản lý sử dụng ngôi nhà đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh với lỗi "vô ý" (đối với hậu quả) là tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

PV: Theo thông tin trên Giấy phép xây dựng thể hiện, chung cư mini xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong là công trình nhà ở riêng lẻ được xây 6 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng lên 9 tầng. Vậy, ngoài trách nhiệm của bị can vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức nào liên quan đến vụ án này?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Đầu tiên cần xem xét đến việc cấp phép xây dựng, vấn đề quản lý trật tự xây dựng ở trên địa bàn tại thời điểm công trình xây dựng thi công. Theo giấy phép xây dựng thì ngôi nhà này được cấp phép xây dựng 6 tầng, một tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật. Chiều cao cho phép của công trình không quá 20,2m. Nhưng trên thực tế thì ngôi nhà này được xây dựng 9 tầng và một tầng tum. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình này như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không, nếu có dấu hiệu cấp phép xây dựng không đúng pháp luật thì sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép.

chay-chung-cu-o-khuong-ha.jpg
Công trình có dấu hiệu vượt tầng so với giấy phép xây dựng

Ngoài giấy phép xây dựng mà cơ quan chức năng đã thu thập được thì còn có giấy phép xây dựng nào khác hay không. Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy chỉ có giấy phép xây dựng cấp năm 2015 với chiều cao công trình không quá 20,2m, số tầng (6 tầng, 1 lửng) như giấy phép mà chủ đầu tư công trình này lại xây dựng đến 09 tầng, một tum thì đây là hành vi xây dựng sai phép.

Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về trật tự xây dựng thời điểm đó có biết về hành vi xây dựng sai phép này hay không, đã xử lý hay chưa, hình thức xử lý như thế nào, vì sao không buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, có hành vi buông lỏng quản lý hay tiếp tay dung túng cho hành vi sai phạm hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu phát hiện có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có hành vi tiếp tay dung túng cho sai phạm thì có thể xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

PV: Đối với phần diện tích xây dựng sai phép, đến nay đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ xử lý thế nào?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật thì với công trình xây dựng sai phép đến nay mới phát hiện ra, đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Trường hợp chủ đầu tư công trình này đã bán, chuyển nhượng diện tích nhà xây dựng vượt tầng và có những thông tin gian dối về pháp lý của căn nhà này thì có thể xem xét xử lý về hành vi lừa dối khách hàng, nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố về tội lừa dối khách hàng. Đối với các tổ chức, cá nhân mua các phần căn hộ mà chủ đầu tư xây dựng vượt quá thì có quyền đòi lại tiền và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

PV: Có ý kiến của chuyên gia cho rằng, Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép chủ nhà được lựa chọn cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ, điều này sẽ dẫn đến loại hình chung cư mini được “luật hóa” và không khác gì căn hộ chung cư thông thường. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Pháp luật Việt Nam hiện nay không có khái niệm là "chung cư mini", chỉ có khái niệm về "chung cư" và các điều kiện tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với các căn hộ trong tòa nhà chung cư.

Để được gọi là nhà chung cư thì tòa nhà đó phải đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn về diện tích, kích thước, hành lang, lối thoát hiểm, cầu thang bộ, cầu thang máy, hệ thống điện, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy và các điều kiện tiêu chuẩn kĩ thuật khác.

luat-su-dang-van-cuong.jpg
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

Theo Luật Nhà ở năm 2014, những nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình cá nhân xây dựng mà đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn của nhà chung cư thì cũng có thể được nhà nước cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ để chủ sở hữu nhà ở có quyền bán từng căn hộ. Tuy nhiên, tòa nhà đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn điều kiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo thiết kế an toàn về phòng cháy chữa cháy. Những tòa nhà như thế này gọi là chung cư mini theo cách gọi của người dân.

Trên thực tế thì có rất nhiều tòa nhà như vậy đang tồn tại, có nhiều người ở và nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy là rất cao. Chủ đầu tư công trình này thường lựa chọn hình thức là bán cho các hộ dân bằng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn hoặc văn bản thỏa thuận tài sản chung. Có một số trường hợp thì các đồng sở hữu được cùng nhau đứng tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với toàn bộ tòa nhà đó theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư với những người dân mua từng căn hộ.

Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với từng căn hộ khép kín trong dự thảo luật nhà ở mới đây là tiếp tục tư tưởng của Luật Nhà ở 2014, tuy nhiên cần phải quy định chặt chẽ về điều kiện tiêu chuẩn để công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ, đặc biệt là điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, về an ninh trật tự, tránh trường hợp hợp thức hóa các căn hộ chung cư mini đang hiện hữu, không đủ đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, gây nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.

Đối với chủ đầu tư công trình, nếu xây dựng tòa nhà chung cư mini không đủ điều kiện tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ nhưng vẫn bán theo kiểu viết tay, hợp đồng không hợp lệ rồi phó thác trách nhiệm cho người mua dẫn đến hỏa hoạn xảy ra thì vẫn phải truy trách nhiệm chủ đầu tư trong trường hợp này. Về mặt pháp lý thì giấy tờ về nhà đất vẫn đứng tên chủ đầu tư chứ không thể sang tên cho người mua về hồ sơ mua bán chuyển nhượng không hợp lệ.

PV: Xin cám ơn Luật sư!