Vụ giáo viên phải nộp tiền học thăng hạng tại Thanh Hóa: "Trên bảo dưới không nghe"
Như PLVN đã phản ánh, tháng 4/2022, ông Nguyễn Xuân Hà (Trưởng phòng Nội vụ Nga Sơn) ra công văn chỉ đạo về việc phối hợp tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non, phổ thông năm 2022.
Trong đó có nội dung chỉ đạo Hiệu trưởng các trường rà soát, lập danh sách giáo viên chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng hiện giữ, theo hạng đề nghị bổ nhiệm mới có nhu cầu đăng ký gửi về Phòng Nội vụ báo cáo UBND huyện lựa chọn trường đủ năng lực, thẩm quyền đào tạo… Ngày cuối nộp hồ sơ và tiền học tại Phòng Nội vụ 22/4/2022.
Việc ông Hà ra công văn như trên khiến bạn đọc đặt câu hỏi liệu có vội vàng, có bất thường hay không; vì trước đó UBND tỉnh đã có công văn ngày 17/6/2021 tạm dừng bồi dưỡng, phối hợp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông như đề nghị của Sở GD&ĐT?
UBND tỉnh nhấn mạnh việc bồi dưỡng, phối hợp bồi dưỡng nói trên, giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp thực hiện đúng pháp luật sau khi có hướng dẫn của Thủ tướng, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT.
Trước đó, tháng 3/2021, Sở GD&ĐT đã có văn bản chấn chỉnh công tác bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Văn bản nêu rõ: Việc bồi dưỡng này xảy ra tại Nga Sơn, Lang Chánh, Quan Sơn,… thông qua tuyển sinh của một số cá nhân, tại mỗi địa phương thực hiện một mức học phí khác nhau, đối tượng không đúng quy định, chất lượng bồi dưỡng không đảm bảo, gây bức xúc dư luận xã hội.
Ngày 29/4/2022, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GĐ&ĐT) cũng đã có Công văn 380; gửi Sở GD&ĐT Thanh Hóa; nêu rõ: Khoản 4 Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định “Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 1 chương trình”; theo đó, mỗi giáo viên chỉ yêu cầu có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cấp học đang giảng dạy.
Bộ GD&ĐT đang sửa đổi, bổ sung quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư 01, 02, 03, 04/2001/TT-BGDĐT. Dự kiến sẽ quy định giáo viên mầm non, phổ thông đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của 1 trong các hạng theo cấp học thì được xác định là đạt yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khi thực hiện bổ nhiệm, xếp lương.
Nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo, Cục đề nghị Sở GD&ĐT Thanh Hóa tham mưu UBND tỉnh xem xét chưa yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm trong khi thực hiện phương án bổ nhiệm, xếp lương cho đến khi có quy định mới.
Vì vậy, việc Phòng Nội vụ huyện Nga Sơn ra công văn chỉ đạo về việc phối hợp tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non, phổ thông năm 2022 đã khiến dư luận băn khoăn đặt ra câu hỏi vì động cơ, mục đích nào?
Trả lời PV qua điện thoại về việc Phòng Nội vụ huyện Nga Sơn tự ra chủ trương mở lớp bồi dưỡng giáo viên gây bức xúc dư luận, ông Vũ Minh Đức (Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục) cho biết đã nắm được việc này và Cục đã có hướng dẫn cụ thể với Thanh Hóa.