Vụ kiện dự án Hòa Lân: TANDTC kháng nghị giữ nguyên bản án phúc thẩm
4 đơn vị cùng đề nghị xem xét lại quyết định của TANDCC
Hòa Lân là dự án bất động sản 50ha tại TP Thuận An (Bình Dương), có từ đầu những năm 2000. Cty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú, chủ đầu tư ban đầu của dự án, đã thế chấp dự án vay vốn Aggribank Chợ Lớn. Thiên Phú không trả được nợ, dự án được bán đấu giá thu hồi nợ xấu. Cty CP Đầu tư Phát triển Kim Oanh TP HCM đấu giá trúng.
Sau cuộc đấu giá, bất ngờ xuất hiện thông tin “có vi phạm trong cuộc bán đấu giá”. Thủ tướng có văn bản chỉ đạo. Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc. Kết luận thanh tra không hủy kết quả bán đấu giá.
Thế nhưng ông Bùi Thế Sơn, nguyên GĐ Cty Thiên Phú, người từng mang dự án Hòa Lân đi thế chấp và đồng ý cho phát mãi, vẫn khởi kiện ra tòa đòi hủy kết quả bán đấu giá, đòi lại Hòa Lân. Tòa sơ và phúc thẩm không hủy kết quả bán đấu giá, bác yêu cầu của nguyên đơn.
Sau khi có bản án phúc thẩm, VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng một tạp chí điện tử trụ sở tận Hà Nội và ông Sơn (thời điểm này không còn bất kỳ tư cách gì liên quan Thiên Phú) có đơn đề nghị kháng nghị GĐT với bản án phúc thẩm. Thế nên ngày 22/6/2021, VKSND Cấp cao tại TP HCM ra Quyết định kháng nghị GĐT 174/QĐKNGĐT-VKS-KDTM theo hướng hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại.
Ngày 15/11/2021, UBTP TAND Cấp cao tại TP HCM ra Quyết định GĐT 45/2021/KDTM-GĐT hủy toàn bộ hai bản án, giao hồ sơ cho TAND quận 7 giải quyết sơ thẩm lại. Sau đó, Thiên Phú, Cty CP Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn, Cty Kim Oanh TP HCM, Agribank cùng có đơn gửi TANDTC đề nghị xem xét lại Quyết định GĐT nêu trên theo thủ tục GĐT.
Nhiều nhận định của TANDCC không phù hợp
TANDTC nhận định, về hợp đồng tín dụng, năm 2003 và 2007 Thiên Phú ký hợp đồng vay vốn tại Agribank Chợ Lớn để đầu tư vào Hòa Lân. Quá trình giải quyết vụ án, Thiên Phú và Agribank thống nhất về khoản nợ gốc của hai hợp đồng tín dụng trên là 1.078 tỷ. Agribank yêu cầu tính lãi vay đến 9/7/2017 (sau 45 ngày kể từ ngày đấu giá thành), còn Thiên Phú yêu cầu tính lãi đến ngày ký biên bản bàn giao tài sản (17/4/2015). Do đó, bản án phúc thẩm buộc Thiên Phú phải trả Agribank số tiền còn lại (sau khi cấn trừ đi số tiền bán đấu giá) là 1.237 tỷ là có căn cứ. Các bên không có đề nghị tính lại số tiền nợ gốc và lãi nêu trên.
Về thế chấp và xử lý tài sản thế chấp: Để đảm bảo các khoản vay trên, ngày 1/7/2003 Thiên Phú và Agribank đã ký hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là toàn bộ giá trị QSDĐ, cơ sở hạ tầng và tài sản trên đất tại Hòa Lân. Việc thế chấp, nhận thế chấp thực hiện theo đúng quy định bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng và tuân thủ đúng điều kiện về nội dung, hình thức hợp đồng thế chấp theo Nghị định 178/1999/NĐ-CP.
Năm 2009, Thiên Phú được UBND Bình Dương cấp “sổ đỏ” cho dự án diện tích hơn 49ha gồm đất được Nhà nước giao có và không thu tiền sử dụng.
Theo thỏa thuận của các bên tại hợp đồng thế chấp từ 2003 nên năm 2011 Thiên Phú và Agribank đã ký hợp đồng thế chấp đất được nhà nước giao có thu tiền (hợp đồng có công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm) và hợp đồng thế chấp đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng (không có công chứng).
Như vậy, hai hợp đồng thế chấp năm 2011 thực chất là phụ lục quy định cụ thể các tài sản thế chấp là QSDĐ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp từ 2003.
Do Thiên Phú không trả nợ, phát sinh nợ xấu nên ngày 17/4/2015, Agribank và Thiên Phú ký biên bản thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm. Thiên Phú tự nguyện bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp là QSDĐ, tài sản, công trình khác của dự án Hòa Lân cho Agribank toàn quyền xử lý, phát mại tài sản thông qua tổ chức đấu giá để thu hồi nợ; thống nhất thuê Cty định giá để đưa ra giá khởi điểm là 1.467 tỷ.
Ngày 17/6/2015, Agribank ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với Cty đấu giá Nam Sài Gòn.
TANDTC nhận định việc thuê định giá để đưa ra giá khởi điểm là đúng theo điểm e Điều 23 Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Quyết định GĐT 45 cho rằng việc định giá không đúng là không phù hợp.
TANDCC hủy bản án sơ phúc thẩm là không có cơ sở
Sau 5 lần tổ chức bán đấu giá không thành, Thiên Phú yêu cầu định giá lại và xác định giá trị tài sản là 1.238 tỷ. Đây là giá khởi điểm cho việc bán đấu giá lần thứ 6 là không quá hạn 6 tháng kể từ ngày có chứng thư định giá. Các lần bán đấu giá sau đó đều dựa trên mức giá được định giá có điều chỉnh giảm giá không quá 10% so với lần đấu giá liền kề là đúng quy định và có sự đồng ý của Thiên Phú và Agribank. Quyết định GĐT 45 nhận định đấu giá sử dụng chứng thư hết hiệu lực để bán đấu giá là không đúng.
Ngày 25/5/2017, phiên đấu giá được tổ chức thành, bên trúng đấu giá là Kim Oanh với giá 1.353 tỷ. Tại biên bản đấu giá và Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngày 1/7/2017 ghi rõ: Với diện tích đất nhà nước giao không thu tiền thì không đấu giá mà chỉ bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý và sử dụng theo quy định pháp luật. Như vậy các bên chỉ thỏa thuận với diện tích đất nhà nước giao có thu tiền; nên Quyết định GĐT 45 nhận định đã bán đấu giá cả phần diện tích đất nhà nước giao không thu tiền là không đúng bản chất của sự việc. Hơn nữa, Thiên Phú đều tham gia, tự nguyện ký các văn bản liên quan quá trình bán đấu giá.
Việc Kim Oanh chậm thanh toán là do gặp trở ngại pháp lý phát sinh nên Cty đấu giá, Agribank, Kim Oanh ký biên bản thỏa thuận ngày 4/7/2017 và ngày 8/11/2017 sửa đổi thời hạn thanh toán tiền mua tài sản đấu giá, Kim Oanh thanh toán chậm phải trả lãi theo lãi suất 8%/năm. Đến ngày 21/5/2019, Kim Oanh thanh toán xong 1.353 tỷ, tiền lãi chậm hơn 97 tỷ, là hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
Mặc khác, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có KLTT 62/KL-TTr ngày 24/12/2018 kết luận: Không có cơ sở về việc đấu giá tài sản không được công khai, không có cơ sở cho rằng Cty đấu giá cố tình hạn chế các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia đấu giá. Như vậy KLTT không kiến nghị về việc hủy kết quả đấu giá.
Sau sơ thẩm, Thiên Phú đã kháng cáo rồi rút kháng cáo. Cấp phúc thẩm buộc Thiên Phú phải thanh toán 1.237 tỷ cho Agribank, giữ nguyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm là có căn cứ. Việc hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại là không có cơ sở.
Từ những lập luận nêu trên, TANDTC quyết định kháng nghị theo thủ tục GĐT với Quyết định GĐT 45/2021/KDTM-GĐT của TAND Cấp cao tại TP HCM. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử GĐT theo hướng hủy Quyết định GĐT 45; giữ nguyên bản án phúc thẩm 264/2021/KDTM-PT của TAND TP HCM.
Tạm đình chỉ thi hành quyết định GĐT 45 cho đến khi có quyết định GĐT của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.