Vụ nữ kế toán bị sát hại ở Bình Dương, nghi phạm người nước ngoài bị xử lý thế nào?
Ngày 1/4, nghi phạm là một giám đốc người Trung Quốc đã được di lý từ Gia Lai về Bình Dương để điều tra về hành vi "Giết người".
Nghi phạm là Yang Zhong Wu (47 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Nhuận ở phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Nạn nhân là chị L.T.M (kế toán công ty nói trên).
Khoảng 21h, ngày 30/3, Công an thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã phát hiện và bắt giữ Yang Zhong Wu khi người này đang mua quần áo ở một cửa hàng tại phường Phù Đổng.
Khám xét người và hành lý người nghi sát hại nữ kế toán ở Bình Dương, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tiền mặt cùng một số tang vật liên quan.
Tại cơ quan công an, Yang Zhong Wu khai nhận (thông qua phiên dịch), do có mâu thuẫn với chị L.T.M nên hai bên xảy ra cãi vã. Cự cãi lên tới đỉnh điểm, Yang Zhong Wu đã dùng dao cắt hoa quả đâm chị M tử vong.
Gây án xong, đối tượng dùng xe ô tô bán tải bỏ trốn khỏi hiện trường, sau đó bắt xe khách lên TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), rồi bị bắt giữ tại đây.
Chồng nữ kế toán bị sát hại cho biết: Trước khi xảy ra sự việc, chị M có kể về mâu thuẫn giữa mình và giám đốc. Giám đốc nghi vợ anh cùng những người trong công ty lấy một số hàng nên đã thuê người vào kiểm tra sổ sách. Gia đình đã khuyên chị M nghỉ làm để chăm sóc sức khỏe vì đang mang thai 8 tuần tuổi, nhưng chưa kịp nghỉ thì xảy ra sự việc.
Trao đổi với Báo Sức khoẻ và Đời sống, luật sư Bùi Xuân Lai - Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X cho biết, căn cứ khoản 1 Điều 5 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, bất cứ hành vi phạm tội do công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.
"Hành vi gây án của nghi phạm có tính chất dã man, gây án trong khi nạn nhân đang mang thai thể hiện sự côn đồ, coi thường tính mạng người khác, coi thường pháp luật Việt Nam nên cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", luật sư nhận định.
Với hành vi trên, nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm sẽ phải đối mặt với tội "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt sẽ có thể ở mức cao nhất.
Ngoài ra, nghi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân được quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.
Thông tin thêm về vấn đề người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, vị luật sư cho biết, căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Bên cạnh đó, với người nước ngoài phạm tội, Bộ luật Hình sự còn quy định một hình phạt riêng với người nước ngoài là trục xuất. Trục xuất là có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, buộc người phạm tội phải rời khỏi Việt Nam trong một thời hạn nhất định (theo Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015).
Ngoài ra, trong trường hợp quốc gia có công dân phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.