Vụ nữ sinh bị cô giáo cắt tóc ngay tại lớp: ‘Cần có quy định rõ ràng về màu tóc của học sinh’
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ một video ghi lại hình ảnh cô giáo ở Trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã dùng kéo cắt tóc của một nữ sinh ngay trên bục giảng.
Sau khi vụ việc được chia sẻ đã có nhiều tranh luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhà trường đã có quy định thì khi học sinh vi phạm, giáo viên nên nhắc nhở, mời phụ huynh học sinh đến làm việc hoặc có thể đình chỉ học chứ không có quyền xâm phạm đến cơ thể của học sinh như vậy. Ý kiến khác lại đồng tình với hành động của giáo viên vì cho rằng có thể cô giáo đã nhắc nhở nhiều lần rồi nên mới làm như vậy...
Chia sẻ về vấn đề này với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chuyên gia giáo dục – TS. Vũ Thu Hương cho rằng, nếu hình thức phạt này của cô giáo không nằm trong quy chế của nhà trường thì cô giáo đó sẽ phải làm bản tường trình vì không thể tự ý phạt học sinh mà không có quy định từ trước.
Theo TS. Vũ Thu Hương, hành động cô giáo cắt tóc của học sinh trên bục giảng không có gì đặc biệt bởi có phải cô giáo lôi học sinh ra một nơi nào khác nguy hiểm, ngoài phạm vi trường học để làm đâu. Tuy nhiên, hành động này có được quy định trong nội quy nhà trường hay không thì cần làm rõ.
"Một khía cạnh nữa, vì sao giáo viên không kiểm soát được cảm xúc và dẫn đến hành động như vậy? Có thể giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần nhưng học sinh này vẫn cố tình vi phạm hoặc do sự chiều chuộng quá đà của phụ huynh dẫn đến học sinh có thái độ thiếu tôn trọng giáo viên và tích tụ lại lâu dần khiến giáo viên bị ảnh hưởng nên mất bình tĩnh".
Ngoài ra, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, hiện nhiều trường học đưa ra quy định với học sinh nhưng không quy định chế tài xử phạt dẫn tới giáo viên thiếu hình thức phạt học sinh và khó khăn trong vấn đề quản lý học sinh.
"Riêng quy định về màu tóc của học sinh thì nhà trường cần quy định rõ ràng để cả giáo viên, học sinh và phụ huỵnh nắm được, nếu học sinh vi phạm thì xử lý thế nào, chế tài ra sao. Trường nào thấy việc nhuộm tóc khi tới trường của học sinh là không nghiêm túc thì cần thông báo rõ ràng như màu nào học sinh được nhuộm, màu nào không. Các màu như xanh, đỏ, tím, vàng không được nhuộm, vậy còn nâu nạt, vàng nhạt hay gẩy line thì sao...?.
Vấn đề này cần có tiếng nói của Bộ GD&ĐT, đó là những loại hoạt động gì được phép để sử dụng phạt học sinh. Nên có nhiều hình thức phạt để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và hình ảnh của học sinh".
Cũng theo TS. Vũ Thu Hương, giáo viên đôi khi cũng không hiểu phải làm thế nào cho đúng. "Chúng ta nên nhìn nhiều mặt từ phía học sinh, giáo viên, nhà trường, phụ huynh đến người đưa video lên mạng xã hội và cả từ phía cộng đồng mạng. Bởi ở vụ việc này, có thể giáo viên làm sai nhưng ở vụ việc khác giáo viên không sai nhưng cộng đồng mạng không hiểu thì hoàn toàn có thể bóp méo việc giáo dục học sinh trong nhà trường".
Thông tin mới nhất về vụ việc này, ông Nguyễn Việt Hà - đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Quy định của ngành là học sinh đi học phải giữ đầu tóc gọn gàng. Nếu học sinh vi phạm thì giáo viên có nhiều cách để thông tin, đôn đốc, nhắc nhở đến học sinh.
Trong trường hợp này, cô giáo đã phối hợp cùng gia đình học sinh từ sau Tết Nguyên đán. Bản thân em học sinh cũng nhờ bạn cắt tóc vàng đi rồi nhưng vẫn còn sót lại. Tuy nhiên, việc giáo viên cầm kéo cắt tóc học sinh là sai bởi giáo viên không có nhiệm vụ làm như vậy. Hiện tại, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đang chờ báo cáo chi tiết về sự việc từ trường THPT Đội Cấn để có cơ sở xem xét và xử lý".
Trong Thông tư 32 năm 2020 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường THCS, THPT ghi rất rõ về hành vi, ứng xử, trang phục của học sinh nhưng không có nội dung nào cấm học sinh nhuộm tóc hay đánh son, sơn móng.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 36 về Hành vi ứng xử, trang phục của học sinh có 2 nội dung là hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của học sinh phải đúng mực, tôn trọng, lễ phép, thân thiện, bảo đảm tính văn hoá, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.
Về trang phục của học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.