1. Trang chủ /
  2. Vụ "Tranh chấp lai dắt tàu tại Cảng Quy Nhơn": Nguy cơ thiệt hại từ việc “ưu ái” đối tác mới?

Vụ "Tranh chấp lai dắt tàu tại Cảng Quy Nhơn": Nguy cơ thiệt hại từ việc “ưu ái” đối tác mới?

thứ hai, 29/5/2023 23:27 GMT+07
Năm 2020, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có kết luận xác định, hợp đồng số 03.2019/QNP-PTL giữa Công ty CP Cảng Quy Nhơn với Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh có tổng giá trị hợp đồng là 324 tỷ đồng, vượt quá 35% tổng giá trị tài sản Cty CP Cảng Quy Nhơn, nhưng chưa thông qua Đại hội cổ đông là không đúng Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy hợp đồng số 03.2019/QNP-PTL sẽ bị chấm dứt hay hủy bỏ để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do phát sinh từ sự “sai luật” trên.

Vượt quyền khi Hợp đồng thuê tàu lai dắt

Như Congly.vn đã thông tin, liên quan đến những “lùm xùm” tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn), tại bản án phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022, TAND cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định, việc Công ty CP Cảng Quy Nhơn chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (Cty Cửu Long) qua việc không cho Cty Cửu Long tham gia bất kỳ hoạt động lai dắt nào tại Cảng Quy Nhơn từ 1/1/2019 và chuyển toàn bộ dịch vụ lai dắt mà Công ty Cửu Long đang làm sang cho Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh (Cty Phúc Trường Linh), trong khi Hợp đồng kinh tế số 274/CUULONG/2016/01/02 ngày 12/10/2016 (Hợp đồng 274) ký kết với Cty Cửu Long (về việc Cảng Quy Nhơn thuê Cty Cửu Long cung cấp dịch vụ lai dắt tàu biển tại Cảng Quy Nhơn- Hợp đồng số 274) giữa hai bên vẫn còn thời hiệu đã trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Cửu Long.

Vì vậy, Tòa cấp phúc thẩm đã tuyên Cty CP Cảng Quy Nhơn phải trả cho Cty Cửu Long (nguyên đơn) tổng cộng hơn 53 tỷ đồng (gồm phí dịch vụ lai dắt tàu, tiền lãi chậm thanh toán; bồi thường thiêt hại trong 2 năm dừng thực hiện hợp đồng…); Đồng thời, Cty CP Cảng Quy Nhơn phải tiếp tục thực hiện Hợp đồng kinh tế số 274

Về sai phạm của Cty CP Cảng Quy Nhơn trong việc ký kết Hợp đồng số 03.2019/QNP-PTL ngày 8/4/2019 với Cty Phúc Trường Linh, tại Văn bản số 1393/KL-HHVN ngày 15/6/2020, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng kết luận rõ: Tổng giá trị hợp đồng trên là 324 tỷ đồng, vượt quá 35% tổng giá trị tài sản Cty CP Cảng Quy Nhơn, nhưng chưa thông qua Đại hội cổ đông là vượt quyền và không đúng Luật Doanh nghiệp.

Trước đó, Vinalines cũng đã gửi văn bản gửi Cty CP Cảng Quy Nhơn nêu rõ, “Vinalines đề nghị Công ty Hợp Thành (đơn vị đã mua Cảng Quy Nhơn nhưng bị Thanh tra Chính phủ “tuýt còi”- PV) chỉ đạo Người đại diện phần vốn tại Cảng Quy Nhơn: Không thực hiện các hoạt động thanh lý, mua, bán tài sản tại Cảng Quy Nhơn; có biện pháp ổn định tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát hoạt động tài chính, tài sản, nhân sự, đảm bảo giá trị vốn, tài sản không có khác biệt lớn so với Hồ sơ Cảng Quy Nhơn tại thời điểm gần nhất với thời điểm Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận cũng như các quy chế, quy định của Cảng Quy Nhơn. Để bảo toàn vốn trong giai đoạn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn, Vinalines sẽ có văn bản đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an (C03) phối hợp giám sát các hoạt động quản lý vốn, bảo toàn vốn, tài sản tại Cảng Quy Nhơn”.

Qua bản án và văn bản trên đã thấy rõ dấu hiệu sai phạm của lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cũng như của ông Nguyễn Hữu Phúc (nguyên Phó TGĐ Công ty CP Cảng Quy Nhơn -người ký Hợp đồng với Cty Phúc Trường Linh) trong việc ký hợp đồng với Cty Phúc Trường Linh “chồng” lên Hợp đồng với Cty Cửu Long như trên. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, cho đến nay, Vinalines vẫn chưa có hình thức xử lý đối với cá nhân ông Nguyễn Hữu Phúc, cũng như chưa có biện pháp xử lý hủy bỏ hợp đồng kinh tế số 03.2019/QNP-PTL. Điều này dẫn đến nguy cơ Cảng Quy Nhơn bị thiệt hại do có thể phải bồi thường do vi phạm Hợp đồng với Cty Cửu Long.

cang_quy_nhon.jpg
Trụ sở Cty CP Cảng Quy Nhơn

Trong khi đó, Cty Cửu Long cũng cho biết sẽ khởi kiện Cảng Quy nhơn để đòi bồi thường do Hợp đồng số 274 vẫn còn hiệu lực và ông Nguyễn Hữu Phúc không được thay mặt người đại diện pháp luật của Cảng Quy Nhơn để ký Hợp đồng có giá trị 324 tỷ đồng (tương đương đến 80% vốn Công ty) với Cty Phúc Trường Linh.

Cảng Quy Nhơn có thiệt hại khi ký hợp đồng với Công ty Phúc Trường Linh?

Viêc Cảng Quy Nhơn bị thiệt hại do đơn phương dừng Hợp đồng với Cty Cửu Long để ký Hợp đồng với Cty Phúc Trường Linh đã được thấy rõ qua phán quyết của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng (Cảng Quy Nhơn phải bồi thường cho Cty Cửu Long).

Tuy nhiên, cả kể trường hợp không phải bồi thường cho Cty Cửu Long thì khi ký hợp đồng số 03.2019/QNP-PTL với Cty Phúc Trường Linh thì Cảng Quy Nhơn vẫn có dấu hiệu bị “thiệt thòi” hơn so với Hợp đồng ký với Cty Cửu Long

Giải trình với Vinalines năm 2020, ông Nguyễn Hữu Phúc (Phó Tổng giám đốc Thường trực Cảng Quy Nhơn) từng cho rằng, việc Cảng Quy Nhơn ký Hợp đồng số 03.2019/QNP-PTL với Cty Phúc Trường Linh có nhiều điều khoản có lợi cho Công ty về giá tiền thuê tàu rẻ hơn chỉ có 2,7 tỷ đồng/tháng; về thời gian thanh toán Công ty Phúc Trường Linh cho nợ. Trong khi Hợp đồng 274 (ký với Cty Cửu Ling thì) giá thuê tính theo lượt lai dắt lên đến 3,4 tỷ đồng/tháng và Điều khoản thanh toán: không cho nợ.

Về nội dung trên, đại diện Công ty TNHH Cửu Long biết thêm, Hợp đồng 274 quy định mọi chi phí phát sinh như phí neo đậu, phí cập mạn tàu ngoại, dầu DO, dầu nhờn, điện thắp sáng, nước ngọt sinh hoạt và các chi phí khác phía Cửu Long tự chịu. Do đó, từ ngày 12/10/2016, Chi phí bỏ ra của Cảng Quy Nhơn để thanh toán cho Công ty Cửu Long tiền thuê tàu lai dắt tháng thấp nhất trên dưới 1 tỷ đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng trên dưới 2 tỷ đồng/tháng.

Trong khi theo Hợp đồng số 12.2018/QNP-PTL và Phụ lục Hợp đồng số 01/QNP-PTL, Hợp đồng số 03.2019/QNP-PTL thì Cảng Quy Nhơn phải thanh toán cho Công ty Phúc Trường Linh mỗi tháng là: 3.450.000.000 đồng + 10% thuế GTGT là = 3.795.000.000 đồng/tháng; các chi phí luồng lạch, phí cập mạn, chi phí nhiên liệu, dầu DO và dầu nhờn cho đội tàu Cty Phúc Trường Linh toàn bộ chi phí Cảng Quy Nhơn thanh toán. Như vậy, theo ước tính thì Cảng Quy Nhơn phải trả phí thuê tàu cùng các chi phí (bao gồm phí nhiên liệu) mỗi tháng khoảng gần 6 tỷ đồng cho Phúc Trường Linh. Bản chất, Hợp đồng số 03.2019/QNP-PTL thì Cảng Quy Nhơn có nội dung “thanh toán cố định”, tức là dù có hoạt động hay không có hoạt động lai dắt thì Cảng Quy Nhơn vẫn thanh toán số tiền thuê đội tàu của Cty Phúc Trường Linh với giá 2,7 tỷ đồng trên tháng, cộng thêm chi phí dầu và chi phí khác (gâbf 6 tỷ đồng). Trong khi đó, Hợp đồng 374 ký với Cty Cửu Long là trả theo từng lượt lai dắt và các chi phí khác Cửu Long tự bỏ.

Đã vậy, tại Khoản 4 Điều 3 của Hợp đồng số 03.2019/QNP-PTL có nêu, Bên A sẽ thanh toán tiền cước hỗ trợ cho bên B trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thanh toán, sau khi trừ đi các khoản tạm ứng (nếu có)”.

Như vậy, Cảng Quy Nhơn đã không được nợ Cty Phúc Trường Linh như Hợp đồng 274 với Cty Cửu Long.

Qua so sánh cho thấy dấu hiệu Cty Phúc Trường Linh đã được “ưu ái” hơn Cty Cửu Long, có nguy cơ gây thiệt cho Cảng Quy Nhơn. Như vậy, giải trình của ông Nguyễn Hữu Phúc (Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CP Cảng Quy Nhơn) với Vinaline năm 2020 có hợp lý?

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.