Vụ vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh: VKS đánh giá 'thủ đoạn tinh vi'
Bị cáo Phương cho biết đã đi nước ngoài chữa bệnh từ tháng 3/2022, còn tháng 8/2022 vụ án mới khởi tố. "Nhiều người khuyên tôi đừng về, ở tù khổ lắm. Nhưng tôi thấy bị oan nên vẫn về. Khi làm việc với CQĐT, tôi không được đối chất với ai", Phương khai tại phiên tòa.
Phương liên tục cho rằng bị nhiều bị cáo "đổ oan" và những chứng cứ, quan điểm luận tội của VKS "không có căn cứ".
Đối đáp quan điểm, đại diện VKS cho rằng, các quy trình tố tụng đều tuân thủ pháp luật. "Trước khi khởi tố Phương, CQĐT và VKS đều lấy lời khai những người liên quan. Vì vậy, dù bị cáo bỏ trốn, thậm chí không có mặt ở phiên tòa hôm nay thì cũng đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội", đại diện VKS nói.
Đại diện VKS đánh giá, vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra ở BV Sản - Nhi Quảng Ninh được thực hiện bằng thủ đoạn tinh vi với sự phân công từng khâu, từng công đoạn. Có những Cty lập ra chỉ để làm "quân xanh" cho AIC, phục vụ cho Chủ tịch AIC Nguyễn Thanh Nhàn “rút ruột” ngân sách.
Theo cáo trạng, Phương được Nhàn chỉ đạo điều hành 4 Cty trong “hệ sinh thái” của AIC và Cty đối tác để làm "quân xanh" tham dự 6 gói thầu của dự án mua sắm thiết bị tại BV Sản - Nhi Quảng Ninh.
Dưới sự sắp đặt của Nhàn, AIC đã trúng 4 gói thầu với tổng trị giá hơn 206 tỷ đồng, được thanh toán hơn 197 tỷ đồng; Mopha trúng 2 gói thầu hơn 25,5 tỷ đồng, được thanh toán hơn 25,1 tỷ đồng.
Để tính toán giá chênh lệch và cơ sở xác định giá thầu, Nhàn giao Trương Thị Xuân Loan, Trưởng BQL dự án 3 của AIC, liên hệ Nguyễn Đức Quang (đã chết) khi đó là Phó phòng Tài chính Kế hoạch, BQL dự án các công trình y tế (Sở Y tế Quảng Ninh), lấy danh sách thiết bị cần mua sắm (đã có tiêu chí về model, xuất xứ) sau đó liên hệ các hãng sản xuất, đơn vị cung cấp thu thập cấu hình, thông số kỹ thuật, đơn giá.
Quang sau đó chỉ đạo cấp dưới gửi danh mục và đơn giá trang thiết bị cho Cty TNHH Thẩm định giá Cimeco để ban hành chứng thư thẩm định giá đúng với giá đã ấn định. VKS đánh giá, đây là nguồn gốc dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước.
Hành vi nâng khống giá thiết bị của AIC còn được tiếp tay bởi sự thiếu trách nhiệm của các bị cáo Lương Văn Tám, Giám đốc BQL dự án các công trình y tế và Lê Thị Phú, Phó phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Quảng Ninh.
Hai người này bị cáo buộc chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, tin tưởng cấp dưới nên không kiểm tra, không yêu cầu cung cấp tài liệu thẩm định giá theo đúng quy định, từ đó xác định sai giá trị tài sản mua sắm.
Hội đồng thẩm định tài sản trong tố tụng của tỉnh Quảng Ninh đã kết luận, giá trang thiết bị 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán là chênh lệch hơn 50 tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, VKS cáo buộc Nhàn (đang bỏ trốn) là chủ mưu vụ thông thầu, đề nghị phạt 10 - 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng bị xét xử vắng mặt như Nhàn do đang bỏ trốn, bị cáo Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó Tổng Giám đốc AIC) bị đề nghị 7 - 8 năm tù, Trương Thị Xuân Loan (cựu Trưởng Ban Quản lý dự án 3 của AIC) 5 - 6 năm tù và Nguyễn Thị Tích (cựu Tổng Giám đốc Cty Mopha) 3 - 4 năm tù.
Nguyễn Thị Thu Phương bị đề nghị 6 - 7 năm tù. Đỗ Văn Sơn, cựu Kế toán trưởng AIC bị đề nghị 30 - 36 tháng tù.
Ở tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Lương Văn Tám và Lê Thị Phú bị đề nghị 24 - 36 tháng tù cho hưởng án treo. 18 bị cáo còn bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 4 năm tù.