Vụ “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” tại Yên Bái: “Người khởi xướng” và “người đặt vấn đề” có phải đồng phạm?
Lợi dụng làm đường để lấy quặng
Như Công lý đã đưa tin, hồi tháng 2/2023, VKSND tỉnh Yên Bái đã có bản Cáo trạng truy tố 10 bị cáo trong vụ án “vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ” và “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại huyện Yên Bình.
Theo đó, trong thời gian từ tháng 10/2020 đến ngày 20/12/2102, lợi dụng việc thực hiện hợp đồng với Công ty TNHH Tuyên Huy (Cty Tuyên Huy) về việc nổ mìn sửa chữa nâng cấp tuyến đường lên mỏ Núi Ngàng, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình (mỏ đang được Cty Tuyên Huy xin cấp lại Giấy phép khai thác quặng chì, kẽm), Lăng Đức Hân (SN 1972, trú tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình- Giám đốc Cty TNHH Thương mại Ngọc Tâm) đã cùng đồng phạm sử dụng trái phép 2768 kg thuốc nổ các loại, 3391 kíp nổ để khai thác trái phép hơn 1.000 tấn quặng chì- kẽm, có giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ngoài Lăng Đức Hân thì còn có Nguyễn Trọng Tuấn (SN 1965, trú tại Tây Hồ, Hà Nội; Phó Giám đốc Cty Tuyên Huy), Nguyễn Văn Hậu (SN 1982, trú tại huyện Văn Yên, Yên Bái- Giám đốc Cty Tuyên Huy) bị truy tố về cả hai tội danh “vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ” và “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. 7 bị cáo khác bị truy tố về một trong hai tội danh trên, trong đó có bị cáo Đinh Tiền Hùng (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái) bị coi là đồng phạm về “tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Về hành vi của bị cáo Đinh Tiến Hùng, Cáo trạng nêu, chiều tối ngày 18/10/2020, Nguyễn Trọng Tuấn, Nguyễn Văn Hậu (Phó Giám đốc và Giám đốc Cty Tuyên Huy) hẹn gặp Đinh Tiến Hùng tại quán cà phê Đồng Tâm (đường Yên Ninh, TP Yên Bái) để trình bày việc Cty Tuyên Huy đang tiến hành làm đường lên mỏ chì- kẽm Núi Ngàng, đồng thời Cty đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản tại đây nhưng gặp vướng mắc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL).
Nghe vậy, Đinh Tiến Hùng nói sẽ liên hệ giúp việc liên quan đến Sở VH,TT&DL. Đồng thời, Đinh Tiến Hùng còn chủ động đặt vấn đề với Hậu và Tuấn rằng “các ông có mỏ, tôi thì có quan hệ. Bây giờ tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn. Tôi sẽ đứng ra lo quan hệ, cơ chế. Còn Hùng “lùn” (tức Nguyễn Mạnh Hùng, người quen của Tuấn và Đinh Tiến Hùng- PV) đi tìm người về khai thác quặng. Sau khi khai thác và bán được quặng thì tính toán trừ đi chi phí quan hệ, chi phí sản xuất thì tôi sẽ lấy 1/3 lợi nhuận, 2/3 còn lại là của Cty Tuyên Huy và Hùng “lùn”. Sau cuộc gặp, Đinh Tiến Hùng và Nguyễn Trọng Tuấn đều có trao đổi lại nội dung trên cho Nguyễn Mạnh Hùng (tức Hùng “lùn”) biết, đồng thời đã giao cho Hùng “lùn” tìm người về để khai thác quặng.
Cáo buộc Đinh Tiến Hùng đồng phạm “khai thác khoáng sản trái phép”, VKSND tỉnh Yên Bái cho rằng bị cáo này là “người khởi xướng, đặt vấn đề và đưa ra mức hưởng lợi nhuận của bản thân cũng như với Cty Tuyên Huy, thống nhất giao cho Nguyễn Mạnh Hùng tìm người lên mỏ để triển khai thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép” với khối lượng tại mỏ Cty Tuyên Huy là hơn 1.000 tấn quặng chì kèm, có trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Phủ nhận cáo buộc trên, bị cáo Đinh Tiến Hùng liên tục có đơn kêu oan cho rằng mình không tham gia vào vụ khai thác khoáng sản nêu trên của Lăng Đức Hân cũng như của Cty Ngọc Tâm (Cty làm đường) và Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Tuấn (Cty Tuyên Huy), đồng thời khẳng định Cáo trạng có nhiều mâu thuẫn. Đơn cử, tuy cáo buộc bị cáo này có lời nói rằng “lo cơ chế, lo quan hệ” cho việc khai thác tài nguyên trái phép nhưng cả cơ quan điều tra lẫn VKSND tỉnh Yên Bái đều không làm rõ “cơ chế, quan hệ” cụ thể ở đây là gì và đã thực hiện trên thực tế hay chưa? Việc thực hiện đề xuất “mức hưởng lợi nhuận” được thực hiện ra sao?.
Qua nghiên cứu vụ án, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, theo Cáo trạng, khi giới thiệu Hân với Nguyễn Trọng Tuấn để ký hợp đồng thi công tuyến đường lên mỏ Núi Ngàng thì Đinh Tiến Hùng đã nói rõ, “sau khi Cty Tuyên Huy có giấy phép khai thác khoảng sản sẽ giới thiệu cho Hân được quyền khai thác quặng thuê cho Cty Tuyên Huy”. Còn khi gặp Nguyễn Trọng Tuấn và Nguyễn Văn Hậu, bị cáo Đinh Tiến Hùng còn nói “sẽ liên hệ giúp việc liên quan đến Sở VH,TT&DL”
Với nội dung trao đổi nêu trên thì có thể thấy rõ ý định của bị cáo Hùng là chỉ “giới thiệu” hai bên thực hiện khai thác quặng khi Cty Tuyên Huy đã có giấy phép khai thác khoáng sản. Đồng thời, Hùng cũng xác định là cần giải quyết xong vướng mắc về thủ tục tại Sở VH, TT&DL chứ không có ý định “bỏ qua” thủ tục này.
Tuy cho rằng Đinh Tiến Hùng đồng phạm nhưng cũng không có căn cứ thể hiện việc Đinh Tiến Hùng đã bàn bạc, thống nhất với Lăng Đức Hân (bị cáo đầu vụ) về việc sẽ “lợi dụng” việc làm đường để khai thác khoáng sản trái phép. Vì vậy, khó có thể nói bị cáo Hùng đã đồng tình, cùng ý chí với các bị cáo khác trong việc cố tình khai thác quặng khi chưa có giấy phép.
Cũng theo Cáo trạng thì vào đầu tháng 10/2020, Lăng Đức Hân khi kiểm tra, khảo sát tuyến đường thì phát hiện có những hầm lò đã khai thác từ trước tại mỏ chì- kẽm mà Cty Tuyên Huy đang xin cấp lại Giấy phép khai thác nên đã nảy sinh ý định khai thác đá để làm đường, đồng thời bóc tách quặng với mục đích xem xét các mạch quặng, hàm lượng, trữ lượng và dọn dẹp các hầm lò đã có sẵn để phục vụ khai thác thuê sau này.
“Như vậy, việc Hân “có ý định” khai thác quặng và “bóc tách quặng”đã xảy ra trước thời điểm mà Đinh Tiến Hùng gặp người của Cty Tuyên Huy tại quán cà phê Đồng Tâm, nên không thể nói Hùng đã khởi xướng vụ việc được” - LS Thành nêu quan điểm.
Quan trọng hơn, theo LS Thành thì trong vụ án này, nếu cho rằng bị cáo Đinh Tiến Hùng đã “khởi xướng, đặt vấn đề” khai thác khoáng sản trái phép thì cũng có nghĩa bị cáo này đang có dấu hiệu bị truy tố oan. Theo khoản 3, Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì “Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức” (người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm).
“Như vậy, so với quy định về đồng phạm nêu trong Bộ luật hình sự thì VKSND tỉnh Yên Bái đã đưa ra một loại người đồng phạm mới là “người khởi xướng”, “người đặt vấn đề”. Việc đưa ra một khái niệm “ngoài luật” này là không đúng với khái niệm về tội phạm theo quy định tại BLHS” - LS Thành nói.