Vui buồn nghề biên đạo múa truyền thống
Các nhà biên đạo múa truyền thống đã nỗ lực hết mình để tạo hiệu quả nghệ thuật cho từng tiết mục của chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử (1789-2022), diễn ra tại TP HCM dịp Tết vừa qua
Góp phần vào sự thành công của chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử (1789-2022) diễn ra tại TP HCM dịp Tết Nguyên đán vừa qua, NSƯT Lê Trung Thảo đã dốc sức chuốt từng động tác vũ đạo cho các diễn viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng những chưa quen với múa kiếm đao, nhiều người còn lần đầu tiên bước chân lên sân khấu.
Ngày càng có đất dụng võ
Theo chân các nhà biên đạo múa truyền thống thâm nhập nơi họ tác nghiệp mới biết thế nào là sự cực nhọc. Ngoài việc uốn nắn từng động tác, phân tích từng cử chỉ, họ còn kiêm luôn vai trò tư vấn trang phục để diễn viên múa xuất hiện đúng với nội dung được đặt hàng.
"Cực nhọc nhưng vui và sự thành công của từng tiết mục góp phần mang vinh quang về cho nghề này" - NSƯT Lê Trung Thảo tâm sự. Dù cực nhọc đến mấy, anh và các nhà biên đạo múa tên tuổi như: Phạm Ngọc Hiền, Mai Trọng Phước, Hữu Phúc, Y Nhã, Huỳnh Hồng Diễm, Đoan Trinh… đều nỗ lực hoàn thành các tiết mục cho lễ hội hoặc sự kiện văn hóa thể hiện tinh thần truyền thống dân tộc tại TP HCM.
"Không gì vui hơn khi chứng kiến những diễn viên không chuyên sau thời gian tập luyện đã hóa thân vào từng nhân vật. Chúng tôi thấy nghề của mình có ích - vừa nuôi sống bản thân vừa đáp ứng nhu cầu hiện nay" - biên đạo múa Y Nhã bày tỏ.
Theo các nhà biên đạo múa truyền thống, từ đầu năm 2022, họ nhận rất nhiều đơn đặt hàng cho các sự kiện văn hóa diễn ra suốt năm. Ngay cả những đoàn phim cổ trang chuẩn bị bấm máy cũng cần đến người biên đạo múa truyền thống. Không chỉ thế, các vở kịch cổ trang phản ánh góc nhìn về lịch sử dân tộc hoặc ca sĩ thực hiện video ca nhạc (MV) chưa biết "bộ tay, bộ chân" của vũ đạo cũng cần sự tiếp sức của họ.
Nghề biên đạo múa truyền thống ngày càng có đất dụng võ khi nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu cùng hướng đến việc cho ra đời sản phẩm hòa quyện bản sắc truyền thống. "Nhà biên đạo múa truyền thống với những vũ đạo, thổi hồn cho sản phẩm của ca sĩ, nghệ sĩ thông qua múa sẽ mang đến những thành công bất ngờ, nhất là hiện nay, nhu cầu dàn dựng MV trên nền tảng số rất lớn. Các vũ công cần được rèn luyện để xử lý tốt mọi tình huống khi hóa thân nhân vật cổ trang" - ca sĩ - NSƯT Hồng Vân nhận định.
NSƯT Ngọc Khanh cho biết từ khi lớp học "Đường vào hát bội" ra đời ở quận Bình Thạnh, TP HCM, bà và nhiều nghệ sĩ hát bội đã được mời dạy vũ đạo cho các trung tâm văn hóa, công ty, xí nghiệp. "Các học viên sau khóa căn bản về vũ đạo từ 6 - 12 tháng có thể dàn dựng những tiết mục múa cho đơn vị mình. Cứ thế, dù nỗi cực nhọc nhân rộng nhưng nhận lấy sự vinh quang chung của nghề, đó là góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc" - NSƯT Ngọc Khanh bày tỏ.
Cần tích lũy vốn nghề
Luôn "đắm đuối" với những giá trị nghệ thuật truyền thống, Hữu Phúc - biên đạo múa của vũ đoàn Si Si - là gương mặt sáng giá trong giới này hiện nay. Anh được sống trong không gian múa dân gian, truyền thống nên thấm đẫm văn hóa cội nguồn.
Hữu Phúc đã cùng vợ là nhà biên đạo múa Y Nhã "ươm mầm" nên vũ đoàn Si Si thuộc Nhà Thiếu nhi quận Gò Vấp, TP HCM - một vườn hoa nghệ thuật dân gian đậm đà sắc màu. "Vợ chồng tôi sống được với nghề nhờ vũ đoàn có thể múa nhiều thể loại - từ dân gian, lịch sử cho đến nhạc trẻ. Điều cần nhất là tích lũy vốn nghề để từ đó sáng tạo và đổi mới qua từng chương trình, chứ không lặp lại cái cũ" - Hữu Phúc nhìn nhận.
Vốn tích lũy cho nghề chính là từ nền tảng cơ bản của múa truyền thống. Mỗi biên đạo múa đều tìm tòi cái mới trong cách bố cục, ứng dụng đạo cụ, phục trang, nhất là nền tảng kiến thức lịch sử cho đúng niên đại.
NSND Hồng Vân đang cố vấn nghệ thuật để tái dựng tác phẩm kịch "Thái hậu Dương Vân Nga" cho lớp diễn viên khóa nâng cao 3 - Sân khấu kịch Hồng Vân. Bà phải nhờ các biên đạo múa giỏi trau chuốt từng động tác vũ đạo cho diễn viên trẻ.
Nhà biên đạo múa Lương Tiến những ngày qua cũng dốc tâm sức để dàn dựng tiết mục "Cờ lao lập nghiệp", ca ngợi công đức của Đinh Bộ Lĩnh từ thuở niên thiếu bẻ bông lau làm cờ tập trận đến khi khoác long bào. Ông cho biết với biên đạo múa, tinh thần và vốn nghề rất quan trọng. "Để nhân rộng vốn nghề, cần lắm sự cọ xát và áp lực công việc, để qua đó truyền đến diễn viên nhận thức vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống" - ông chiêm nghiệm.
Được sống và làm việc đúng môi trường nghệ thuật, dù đắt sô, đủ nuôi gia đình nhưng hầu hết các biên đạo múa truyền thống đều trăn trở. Không ít người đã bật khóc khi một số tiết mục múa đời Lý, Trần, Lê nhưng diễn viên phải mặc áo thun, mang giày bata vì nhà đầu tư không đủ kinh phí. Thậm chí, có khi diễn viên phải nhét hai tà áo dài vào quần để biến thành áo bà ba... "Hạn chế lớn nhất là việc gia giảm phục trang khiến các tiết mục nghèo nàn dù ý tưởng dàn dựng rất hay" - nhà biên đạo múa Hữu Phúc trăn trở.
Theo nhà giáo Lê Xuân Hiểu, khi xem múa truyền thống, khán giả thường thấy sự cao sang, thanh thoát, lộng lẫy. Thế nhưng, để đạt được điều đó, nhà biên đạo múa phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian rèn luyện, thậm chí đổ cả mồ hôi, nước mắt. Thời gian gần đây, nghề này được xem trọng vì sự cống hiến mang lại niềm vui, hạnh phúc cho khán giả.
NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng cần hệ thống lại giáo trình múa truyền thống để tránh "tam sao thất bổn". Theo bà, múa dân gian, truyền thống đang có chiều hướng bị lạm dụng và mạnh ai nấy làm. Không ít nơi làm ẩu, cốt sao phô trương chứ không đi vào chiều sâu. Vì thế, múa truyền thống, dân gian có thể mai một nếu không kịp thời chấn chỉnh.