1. Trang chủ /
  2. Vùng biên giới Quảng Trị: Gỡ vướng những cuộc hôn nhân không giá thú "xuyên biên giới"

Vùng biên giới Quảng Trị: Gỡ vướng những cuộc hôn nhân không giá thú "xuyên biên giới"

thứ hai, 15/5/2023 10:54 GMT+07
Những năm qua, tại địa bàn các xã miền núi huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có nhiều lễ cưới giữa người Việt Nam với người Lào được tổ chức. Nhưng việc kết hôn của họ chỉ được tiến hành theo phong tục tập quán địa phương chứ không thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cán bộ chức năng tuyên truyền pháp luật cho một cặp đôi kết hôn chưa có giá thú. Cán bộ chức năng tuyên truyền pháp luật cho một cặp đôi kết hôn chưa có giá thú.

Các trường hợp này đều có con và tài sản chung với nhau nhưng không ràng buộc nhau bởi thủ tục pháp lý nào. Nhiều trường hợp từ Lào sang Việt Nam làm ăn, lập gia đình, sinh con đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa nhập quốc tịch hay đăng ký kết hôn.

Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện, hiện trên địa bàn huyện có 327 người không quốc tịch, người chưa xác định quốc tịch; 427 trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài. Riêng xã Tân Lập hiện có 23 người không quốc tịch, chưa xác định quốc tịch; 36 trẻ là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài.

Trường hợp anh Hồ Ai My (SN 1977, người Lào) là một ví dụ. Anh My về bản Bù, xã Tân Lập, lấy vợ từ 1999, đã có với nhau 6 người con, 3 con lớn đã lập gia đình, nhưng hai người vẫn chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Hay trường hợp chị Hồ Thị Chêng (SN 1996, người Lào) theo chồng về làm dâu ở bản Bù, xã Tân Lập, đến nay đã 10 năm, đã có 3 mặt con, vẫn chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Thực tế, nhiều cặp vợ chồng là người Việt Nam và người Lào không biết mình vi phạm pháp luật, là hôn nhân không hợp pháp, chỉ đến khi làm những thủ tục khám chữa bệnh hay học hành của con cái mới hiểu. Một vấn đề khác, vì không đăng ký kết hôn nên cuộc sống những cặp vợ chồng này ít ràng buộc hơn, yêu thì có thể đến với nhau sinh con đẻ cái, nhưng cũng có thể dễ dàng “dứt áo ra đi”.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho hay: Nhiều lần chính quyền xã đã đến tận nhà vận động những cặp vợ chồng này đi làm giấy đăng ký kết hôn nhưng có khi họ không chịu đi, mà chính quyền xã không thể ép buộc.

Do quyền lợi công dân chưa được thực hiện đầy đủ, nhiều hệ lụy xảy ra với những cuộc hôn nhân vi phạm này như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử; tranh chấp tài sản, con cái khi hôn nhân đổ vỡ; thực hiện các chính sách về y tế, học tập… không được đảm bảo.

Phần lớn các hộ dân di cư tự do và hôn nhân không giá thú hiện sinh sống ở các xã biên giới Việt - Lào đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn do không có hộ khẩu, thiếu đất sản xuất, việc học tập của con em gặp nhiều trở ngại. Đây cũng là một vấn đề gây khó khăn với công tác quản lý nhân hộ khẩu, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Nhuận cho biết thêm.

Ông Lê Phước, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hướng Hoá cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, đặc biệt là những điều quy định với hôn nhân có yếu tố nước ngoài; vận động người dân thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý trước khi cưới để đảm bảo quyền lợi công dân; đồng thời yêu cầu các cặp vợ chồng Việt - Lào ký cam kết phải chấp hành theo đúng quy định của pháp luật khi sinh sống tại địa phương.

Trong năm 2019 và 2020, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện phối hợp đoàn Sở Tư pháp hoàn thành việc trao quyết định nhập quốc tịch cho các trường hợp di cư tự do và kết hôn không giá thú. Đồng thời chỉ đạo Công an huyện, cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn biên giới thực hiện việc đăng ký hộ khẩu, cấp giấy tờ tùy thân, đăng ký hộ tịch như khai sinh, đăng ký kết hôn, cấp thẻ BHYT, giao quyền sử dụng đất và các chế độ chính sách khác… kịp thời cho công dân nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống định cư lâu dài.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp đối tượng kết hôn hai bên biên giới chưa đủ tuổi (tảo hôn), UBND xã không cấp giấy chứng nhận kết hôn, nhưng họ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng, sau đó sinh con và làm thủ tục khai sinh… Ngoài ra, trong quá trình lấy lời khai có một số hộ khai thiếu trung thực, có người đã lấy vợ lập gia đình ở Lào nhưng về Việt Nam lấy vợ khác, cần xác minh lại nước bạn Lào...

Còn một số vướng mắc là công tác phối hợp giữa một số xã, thị trấn chưa chặt chẽ nên việc rà soát, cung cấp thông tin của công dân còn mất nhiều thời gian rà soát. Số lượng dân di cư và kết hôn không giá thú vẫn xảy ra do đặc thù dân cư hai bên biên giới có quan hệ họ hàng, thân tộc từ lâu, trình độ nhận thức về pháp luật còn thấp, điều kiện kinh tế chưa phát triển. Vì vậy, vấn đề dân di cư tự do, kết hôn không giá thú phát sinh từ 2014 đến nay trên địa bàn chưa được phê duyệt để nhập quốc tịch hiện rất khó khăn.

Theo cán bộ địa phương, ngành chức năng cần có chính sách cho người di cư tự do, đã sinh sống ổn định tại Việt Nam được đăng ký tạm trú hoặc nhập hộ khẩu, giải quyết việc xin nhập quốc tịch để giúp họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan.

Để hạn chế trường hợp nam nữ Việt - Lào chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, các cấp chính quyền cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, các quy định về đăng ký kết hôn ở khu vực biên giới; chủ động nắm tình hình nội - ngoại biên, tư tưởng, nguyện vọng số cư dân, nắm được thực trạng vi phạm, có biện pháp đồng bộ để giải quyết vừa đúng luật, vừa mang tính nhân đạo, bảo vệ mối đoàn kết hữu nghị Việt - Lào và quyền con người.