“Vượt khó” để hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại
Vấn đề nhức nhối của toàn xã hội
Theo số liệu báo cáo của 33/52 Ban Dân tộc các tỉnh, tính từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2021, tổng số trẻ em bị xâm hại là 1.087 em. Số trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) bị xâm hại theo thống kê của 9/52 tỉnh là 188 em. Từ vụ Hiệu trưởng bị tố dâm ô hàng loạt nam sinh ở Trường PTDT nội trú, THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) đến vụ bảo vệ Trường PTDT bán trú ở Lào Cai có hành vi sàm sỡ, dâm ô 14 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5…, vấn nạn xâm hại trẻ em, đặc biệt là các em ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Giải pháp cho vấn đề này, các cấp Bộ, ngành, trong đó hạt nhân là Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo, phối hợp cùng các địa phương triển khai lồng ghép có hiệu quả Đề án: “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”…
Đến nay, việc triển khai thực hiện lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em ở vùng DTTS đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác này. Song qua thực tế triển khai công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em vùng DTTS còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế như: vùng DTTS và miền núi có địa bàn phức tạp, việc đi lại chưa thuận lợi nên việc đưa thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tố giác hành vi xâm hại trẻ em của tổ chức, cá nhân và việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời...
Đây cũng cũng chính là vấn đề được bà Trần Thanh Huyền, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái đề cập tại Tọa đàm “Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục” do Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 10/2023. Theo bà Huyền, tỉnh Yên Bái hiện có 255.164 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 31% dân số), trong đó có 4.932 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số liệu của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, các vụ xâm hại chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
“Sự chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị khiến cho trẻ em thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em là người DTTS. Những vụ xâm hại tình dục thì chúng tôi nhận thấy hầu hết xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Bởi vì các em tiếp cận được ít những thông tin và không lường trước được hậu quả của xâm hại tình dục cũng như là kết bạn rất nhiều trên mạng Internet. Cha mẹ có hướng dẫn cũng như các kỹ năng thì hạn chế”, theo bà Trần Thanh Huyền.
Cũng theo bà Huyền, hầu hết trẻ em vùng đồng bào DTTS đi học bán trú, cuối tuần mới trở về nhà, nên khó khăn trong quá trình tiếp cận, hỗ trợ trẻ. Phần lớn các em còn rụt rè, không cởi mở, ở nhóm trẻ DTTS nhanh nhẹn hơn thì các em lại bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Từ đó, các em bị rủ rê đi chơi, bị xâm hại tình dục mà không hề hay biết, cũng như không dám lên tiếng.
Giúp trẻ em gái DTTS hình thành ý thức bảo vệ bản thân, bạn bè
Năm 2021, tại Hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” do Bộ VH,TT&DL tổ chức, theo Vụ Văn hoá dân tộc, để hạn chế và tiến tới khắc phục tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tất cả các lực lượng có liên quan. Phụ huynh cần quan tâm, giáo dục con về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ thân thể mình. Nhà trường cần tổ chức nhiều lớp học để giáo dục kiến thức, kỹ năng mềm cho học sinh, làm sao khi gặp phải những tình huống phát sinh trên thực tế, các em biết cách xử lý phù hợp. Ngoài ra, ở cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và người dân có thể phối hợp với nhau trong công tác tuyên truyền... Với sự vào cuộc tích cực của cộng đồng, bản thân các em gái người dân tộc thiểu số sẽ dần hình thành ý thức bảo vệ bản thân, bạn bè, chị em gái của mình.
Từ kinh nghiệm của địa phương, bà Trần Thanh Huyền, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái cho rằng, để giảm thiểu trẻ em bị xâm hại tình dục nói chung, trẻ em vùng đồng bào DTTS nói riêng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng. “Với 238 Tổ truyền thông cộng đồng; 14 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; 01 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi trong trường học, chúng tôi đã và đang tăng cường công tác phòng ngừa, nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục và luật pháp liên quan; lồng ghép vào chương trình kỹ năng sống trong trường học”, theo bà Huyền.
Trong quá trình phát hiện, can thiệp hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục thì vấn đề hỗ trợ can thiệp về tâm lý cũng rất quan trọng. Theo ThS Tô Thị Hạnh - Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, sau khi hỗ trợ cho các địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục, có thể nhận thấy trẻ đã có niềm tin và có mối quan hệ kết nối với người trợ giúp.
“Đối với gia đình và cộng đồng, từ những trợ giúp của chúng tôi, giáo viên cũng có thái độ cảm thông, chấp nhận trẻ trong trường và hỗ trợ trẻ hơn; nhóm bạn dễ chấp nhận và chơi cùng. Chính quyền địa phương cũng nâng cao nhận thức và tăng cường sự phối hợp. Đặc biệt, các nhân viên y tế khi tiếp xúc với trẻ bị xâm hại tình dục đã có kinh nghiệm hơn, quá trình khám cho trẻ bị xâm hại tình dục diễn ra thuận lợi hơn. Gia đình không còn nhắc lại câu chuyện buồn này trước mặt trẻ, không hỏi lại câu chuyện với trẻ, hiểu hệ quả của sang chấn với trẻ giúp tăng sự nâng đỡ, hàn gắn với trẻ, giảm sự bạo lực tinh thần từ người thân tới trẻ”, bà Hạnh thông tin.
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030. Dự án do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Theo bà Hà Thị Nga - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, “mục tiêu của Dự án 8 là phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số phải có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn”. Trong năm 2022, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động của Dự án 8 và đạt được những kết quả nhất định, trong đó có hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.