Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa: Đừng để học trò nghèo thiệt thòi
Băn khoăn cạnh tranh chưa lành mạnh
Ghi nhận những đổi thay về mặt chất lượng của SGK mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, PGS Đào Thái Lai - Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn bất cập, tồn tại khi triển khai chương trình, SGK mới liên quan đến lựa chọn, thẩm định sách. Đơn cử như việc vẫn có những kênh thông tin hướng dẫn ngầm là nên chọn sách nào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không nằm ở giáo viên mà liên quan đến chi phí phát hành của các nhà xuất bản (NXB). Ngoài ra, việc cung ứng SGK tới tay học sinh còn chậm, thiếu; giá sách vượt khả năng tài chính của một số gia đình chỉ vì sách in màu, khổ lớn; SGK chưa được sử dụng nhiều lần…
Theo ông Lai, thực tế hiện nay chi phí phát hành cao hơn mức 15% giá bìa, cần phải có quy định về mức chi phí này. Ngoài ra, Nhà nước phải giám sát toàn bộ quá trình chi phí viết, biên tập, in ấn phát hành, từ tiền chi cho tác giả, tiền giấy, tiền in… Từ thực tế nêu trên, ông Lai đề nghị cần thiết phải xem lại phương thức lựa chọn SGK, giảm giá bán và lập kế hoạch cho học sinh sử dụng sách nhiều lần. Xây dựng bộ SGK điện tử cung cấp miễn phí trên mạng internet để học sinh, giáo viên tự đọc khi cần.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, bản thân Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được thử nghiệm bài bản, ảnh hưởng nội dung, phương pháp sư phạm thể hiện trong SGK. Riêng các SGK cũng chưa kịp thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá một cách khách quan và có điều chỉnh trước khi in ấn. Khi xã hội hóa không tránh khỏi việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm tác giả, NXB, chạy chọt các cơ quan quản lý địa phương để chọn bộ sách của đơn vị.
Ông Vinh cũng bày tỏ băn khoăn về chủ trương trích ngân sách 3.500 tỷ đồng mua sách cho học sinh mượn, và cho rằng có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì biên soạn một bộ sách có chất lượng tiêu chuẩn. Bộ sách do Bộ nắm bản quyền có thể được đấu thầu để chọn đơn vị xuất bản nhằm đảm bảo khách quan. Sách sẽ được cấp miễn phí cho học sinh nghèo và đưa vào tủ sách dùng chung. Như vậy, thay vì bỏ ra 3.500 tỷ đồng mua sách của nhiều đơn vị, có thể tiết kiệm hơn nếu có bộ sách của nhà nước sử dụng vào mục đích trên.
Ưu tiên hàng đầu cho chất lượng sách giáo khoa
Liên quan đến câu chuyện xã hội hóa SGK, cuối tháng 9 vừa qua, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng SGK giáo dục phổ thông tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), chủ trương xã hội hóa SGK đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình này. Cụ thể, đã có 6 NXB tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp. 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp. Các văn bản pháp lý do Bộ GDĐT ban hành đã tạo cơ sở quan trọng cho việc thực hiện đúng quy định các công tác tổ chức biên soạn, thực nghiệm SGK, chất lượng bản mẫu SGK, việc thẩm định, phê duyệt, lựa chọn SGK,…
Tại hội thảo, bức tranh khá toàn diện của việc biên soạn, xuất bản và sử dụng SGK giáo dục phổ thông mới được nhìn nhận qua ý kiến của các đơn vị, cá nhân. Đại diện Bộ GDĐT cũng chỉ ra những tồn tại như chất lượng một số SGK chưa đáp ứng yêu cầu xã hội; giá sách còn cao; việc lựa chọn SGK ở một số địa phương chậm, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng... Một số ngữ liệu đưa vào SGK còn gây băn khoăn trong dư luận; việc phê duyệt danh mục SGK chậm, gây khó khăn cho khâu lựa chọn sách.
Ông Ngô Trần Ái - Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam kiến nghị Bộ GDĐT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để tham mưu Quốc hội quyết định vấn đề quản lý SGK cho sát thực tế; có chính sách khuyến khích các NXB, doanh nghiệp làm, phát hành SGK tặng học sinh nghèo.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, công tác biên soạn, thẩm định, phát hành, lựa chọn SGK rất quan trọng. Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” nhấn mạnh, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Đây là bài toán vừa mới, vừa khó và chúng ta chưa có tiền lệ khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK.
Ông Độ nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của đổi mới giáo dục phổ thông. Theo đó, cần thống nhất nhận thức: SGK khi được biên soạn, thẩm định và phát hành đến học sinh phải bảo đảm chất lượng, chuẩn mực, giá cả hợp lý. “Chúng ta khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1” - ông Độ nói.