Xã Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội): Có hợp lý khi đặt dự án trường học giữa khu sản xuất?
Những công trình này đều tồn tại ổn định hơn chục năm nay ở đây đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết về đất sản xuất thủ công nghiệp cho hàng chục gia đình, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Từ thực tế này, các hộ dân cho rằng, nếu triển khai xây dựng trường học ở đây có thể dẫn đến nguy cơ hàng chục xưởng sản xuất phải đóng cửa, ảnh hưởng đến kế mưu sinh của hàng trăm lao động và phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp...
Vì vậy, các hộ kiến nghị UBND huyện Thạch Thất và UBND TP Hà Nội xem xét điều chỉnh quy hoạch xây trường học chuyển sang vị trí khác thích hợp hơn. Nếu trường học được xây dựng ở vị trí này thì cũng bị “bao vây” bởi bụi và tiếng ồn của hàng chục xưởng sản xuất đồ gỗ ở khu vực lân cận.
Trao đổi với PV về việc triển khai dự án trên, ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng xác nhận việc người dân đã có đơn thư đến các cấp kiến nghị chuyển dự án xây trường đến vị trí mới. Ông Trường cho biết, khu đất quy hoạch xây trường học hiện tại đang có 30 xưởng sản xuất đồ gỗ và 2 nhà thờ họ.
Diện tích đất 1,2ha này vốn là đất nông nghiệp (gồm 23 thửa đất, giao khoán cho các hộ). Do hạn chế trong công tác quản lý đất đai từ những năm trước nên địa phương đã để xảy ra việc các hộ dân xây nhà xưởng, sử dụng đất sai mục đích. Thậm chí, nhiều thửa đất đã được mua đi bán lại (đất đứng tên một người nhưng tài sản trên đất của người khác).
Về nguyện vọng của các hộ dân, ông Trường cho rằng, địa phương có quy hoạch khu làng nghề nhưng chưa triển khai được nên người dân địa phương đang rất thiếu đất để sản xuất tiểu công nghiệp.
Hàng chục xưởng sản xuất đồ gỗ quanh khu vực quy hoạch xây dựng trường THCS.
“Dù biết vậy nhưng xã cũng thấy rằng, việc quy hoạch làm trường là do cấp trên và chính quyền cấp xã cũng không có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch này. Riêng những khu vực nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp mà không vướng quy hoạch thì xã cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét chuyển mục đích sử dụng cho các hộ cho phù hợp với thực tế sử dụng”, cán bộ xã nói.
Trong khi đó, khi trả lời kiến nghị của các hộ dân về việc điều chỉnh quy hoạch, UBND huyện Thạch Thất cho biết, việc điều chỉnh sẽ gây chậm trễ, kéo dài thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án, vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn học sinh trên địa bàn xã.
Trước trả lời này, nhiều hộ dân nêu quan điểm, hiện xã đang triển khai dự án xây dựng Trường Tiểu học với quy mô 30 phòng học, 9 phòng chức năng, nhà hiệu bộ 4 tầng, nhà đa năng, nhà ăn... trên diện tích trên 18.000m2. Với một trường tiểu học và một trường THCS hiện có thì tới đây, xã sẽ có 3 trường tiểu học và THCS, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu về trường lớp cho học sinh trong thời gian trước mắt. Hơn nữa, việc điều chỉnh quy hoạch để chuyển vị trí trường THCS cho phù hợp với thực tế là hoàn toàn khả thi và pháp luật cũng cho phép điều chỉnh quy hoạch khi xuất hiện bất cập.
Được biết, vào tháng 5/2021, UBND huyện Thạch Thất từng có báo cáo Ban Tiếp công dân TP và Sở TN&MT TP, cho biết, có hơn 7.600m2 sử dụng sai mục đích làm lán xưởng và 630m2 làm nhà thờ họ; “thời điểm các hộ vi phạm sử dụng đất sai mục đích từ trước năm 2005…” và “phần lớn các hộ dân đều có ý kiến di dời dự án xây dựng trường sang vị trí khác…”.
Tuy đưa ra hiện trạng trên nhưng UBND huyện Thạch Thất vẫn cho rằng sẽ tiếp tục tuyên truyền các hộ dân chấp hành, thực hiện dự án.
Vì vậy, các hộ dân tiếp tục cho rằng, cơ quan chức năng cần đánh giá đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc xây trường giữa khu sản xuất; cũng như quyền lợi của các hộ dân khi triển khai dự án; cân nhắc về bất cập của quy hoạch để đưa ra một phương án tốt nhất, đảm bảo quy hoạch có tính khả thi và hợp lý, hợp tình.