1. Trang chủ /
  2. Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo

Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo

thứ ba, 7/11/2023 23:12 GMT+07
Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tới, trong đó có nhiều nội dung nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép xây dựng có thời hạn tại dự án chậm thực hiện

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng nay, 7/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Mở đầu phiên họp, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) nêu vấn đề, tháng 9/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 82 về tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy trình quản lý, sử dụng đất đai đô thị.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết những giải pháp mà Bộ đã triển khai từ khi Nghị quyết được ban hành đến nay để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như định cư của người dân.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi có Nghị quyết 82, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện.

Qua đó, đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng như rà soát Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn…

Qua đó, đã tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng để bổ sung điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cấp phép xây dựng có thời hạn tại dự án có quy hoạch chậm thực hiện.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong thực hiện quy hoạch.

Bộ cũng có nhiều văn bản yêu cầu, đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch, kịp thời hủy bỏ quy hoạch quá thời hạn, không có tính khả thi hoặc điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị; yêu cầu địa phương xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, công khai quy hoạch theo đúng quy định.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng có kế hoạch, đã đưa vào chương trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tới, trong đó có nhiều nội dung nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo.

Tăng cường quản lý toàn diện giao dịch trên mạng

Trong khi đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối đặc biệt là qua các kênh bán hàng online. Đáng lưu ý nhất là hàng giả nhiều ở ngành thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm...

Đại biểu Lê Đào An Xuân đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp.
Đại biểu Lê Đào An Xuân đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp.

Nhiều vụ việc phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay mà chưa có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước hay hội bảo vệ người tiêu dùng dẫn đến việc xử lý người sản xuất, nhập khẩu chưa bị xử lý thích đáng.

Đại biểu Lê Đào An Xuân đặt vấn đề về thời điểm Bộ Công thương có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này để bảo vệ người sản xuất chân chính và người tiêu dùng.

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, trong các năm qua, doanh thu trên môi trường thương mại điện tử đạt từ 16-19 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng từ 20-25%/năm, là tốc độ cao trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực như các đại biểu đã nêu. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với quy mô lớn.

Những tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 523 vụ, xử lý 497 vụ và phạt tiền 7,8 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

Đồng thời, tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, livestream, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh, báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Thời gian tới, Bộ tập trung rà soát các quy định của pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng cường quản lý toàn diện giao dịch trên mạng.

Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử phối hợp để rà soát, gỡ bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này.