Xu hướng du lịch đặt chỗ sát giờ
Nhiều doanh nghiệp thay đổi sản phẩm du lịch chú trọng tính linh hoạt.
Ưu thế “giờ chót”
Đợt nghỉ lễ 2/9 năm ngoái, do trong gia đình có người F1, chị Ngọc Năm, nhân viên văn phòng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) đã phải ngậm ngùi bán lại voucher nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long với giá rẻ. “Rút kinh nghiệm từ đợt lễ trước, lần này chúng tôi định đi Sa Pa. Trên đấy mấy hôm nay đang có tuyết, trẻ con rất hào hứng. Tuy nhiên, an toàn cho cả gia đình vẫn là trên hết, không phải đặt dịch vụ trước. Nhà tôi đi xe riêng, đường sá đi lại cũng tiện, lúc nào cũng sẵn sàng lên đường”, chị Năm nói.
Trong điều kiện hoạt động du lịch mới khởi động lại như hiện nay, khách du lịch vẫn còn dè dặt khi lựa chọn những tuyến du lịch xa vào dịp nghỉ lễ, thay vào đó là những tour ngắn ngày, khoảng cách gần. Mặt khác, thị trường thiếu ổn định, giá cả tăng giảm khó đoán khiến khách du lịch khó đưa ra lựa chọn tốt nhất với ví tiền của mình nếu đặt chỗ trước. Để nhận mức giá ưu đãi tốt nhất, nhiều khách hàng đã chọn đặt chỗ sát giờ.
Tuấn Hùng, du khách Hà Nội, dự định đi du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) với nhóm bạn vào 14-16/1/2022. Anh đã tham khảo một số bên bán combo du lịch và tìm được mức giá tốt nhất là 2,6 triệu đồng/người, vé máy bay giờ đẹp, ở khách sạn 4 sao. Theo anh, đây là mức giá “quá hời” cho một chuyến du lịch dài. Tuy nhiên, đúng một tuần sau, anh phát hiện ra giá vé máy bay từ Hà Nội đi Nha Trang đã giảm chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/người/khứ hồi. Theo khảo sát hiện nay giá vé chỉ còn khoảng 700.000 đồng/khứ hồi.
Về phía các đơn vị du lịch, nếu những năm trước đây khách sạn, phòng nghỉ luôn “khoá sổ” trước cả tháng, nay vẫn nhận khách đặt phòng đến phút chót. Chị Hà My, nhân viên kinh doanh Công ty du lịch Continental VN cho biết: “Trong dịp nghỉ lễ, tết, các tour đi Hà Giang, Cao Bằng, Sa Pa vẫn tiếp nhận khách đến sát giờ. Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp, quỹ phòng vẫn còn nên việc khách đăng ký giờ chót, giá cả vẫn không bị tính phụ thu”.
Đổi mới sản phẩm du lịch
Với xu hướng đặt chỗ sát giờ của khách, nhiều doanh nghiệp khó hoạt động theo hình thức “ôm series vé”, nghĩa là giữ lịch bay. Chẳng hạn, công ty lữ hành có series đi Thái Lan tối thiểu 15 chỗ. Trong một tháng, họ phải ôm ít nhất 2 series và phải trả tiền trước. Tuy nhiên, tình hình dịch phức tạp nên các bên cũng sợ “ôm series vé” vì nếu không đủ khách thì vẫn phải bay, dẫn đến lỗ vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh rất khó phán đoán lượng khách ổn định.
Hình minh họa.
Theo nghiên cứu Dự đoán Du lịch 2022, ba ưu tiên hàng đầu của du khách Việt trong năm 2022 là không bị mất tiền (38%), có thể hủy (17%) và có thể đổi ngày miễn phí (24%). Để tạo điều kiện cho khách hàng đi du lịch tốt nhất, nhiều đơn vị du lịch đã thay đổi hình thức hoạt động. Booking.com hiện đang thay đổi theo chính sách cho phép khách hàng thay đổi đặt phòng 1 lần/ngày với điều kiện không hoàn tiền nếu huỷ hoặc được linh hoạt huỷ miễn phí ít nhất 1 ngày trước khi bắt đầu chuyến đi. Ngược lại với xu hướng này, booking.com cũng cung cấp thêm các bộ lọc giúp khách hàng lựa chọn tiện ích phù hợp với các chuyến du lịch dài ngày, phù hợp với điều kiện vừa du lịch vừa làm việc.
Không chỉ thay đổi hình thức để khách hàng linh hoạt hơn trong việc đặt/huỷ phòng, các doanh nghiệp cũng cần tạo đột phá trong các sản phẩm du lịch để thu hút và giữ chân khách. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Flamingo Redtours cho biết: “Các tour truyền thống sẽ không đủ sức hấp dẫn nếu các doanh nghiệp không làm mới, tạo cho nó một diện mạo khác. Sự thay đổi hoạt động kinh doanh du lịch trong trạng thái bình thường mới là một tất yếu. Hoạt động du lịch cần phải điều chỉnh để kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nếu trước đây, công ty lữ hành là người chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ khách đại trà thì bây giờ, các sản phẩm sẽ được hướng đến các nhóm khách hàng”.