Xử lý nghiêm hành vi tận diệt chim trời
Tận diệt
Dọc theo tuyến đường tránh lũ qua nhiều xã của huyện Hải Lăng là những cánh đồng ngập nước, sau mùa gặt, tôm, cá nhiều trở thành nơi các loài cò, cốc, diệc, dẻ giun... bay về kiếm ăn. Bờ ruộng, cồn cỏ trở thành nơi trú chân của các loại chim và nơi đây cũng trở thành “ma trận” của các loại bẫy. Từ những tay “lưới tàng hình”, nhựa dính, bẫy chân đến cả những con chim cò mồi bị khâu kín mắt để bắt đủ loại chim di cư vào mùa này.
Giữa những bờ ruộng, từ xa không thể phân biệt đâu là những đàn cò thật hay những đàn cò giả được tạo hình từ xốp được dựng lên để dụ đàn chim trời. Tiếng loa phát đi tiếng chim gọi bầy ra rả giữa cánh đồng. Từng cánh chim vừa sà xuống liền bị dính vào những thanh tre được quét lên một lớp keo siêu dính.
Những con chim càng hoảng hốt thì càng bị dính chặt hơn và nằm bất lực chờ bị bắt. Chỉ một vài con may mắn thoát được, chúng lượn lờ trên bầu trời, cất từng tiếng kêu thảng thốt rồi bay về phương trời khác.
Một "ma trận" cò giả, keo dính và những chú cò xấu số trên đồng ruộng huyện Hải Lăng. Ảnh: Minh Tân
Những con chim dính bẫy nhanh chóng được gỡ ra, cất vào trong bao chờ đưa đi bán cho các quán nhậu. Chỉ chưa đầy bán kính 1km đã có 4-5 điểm bẫy chim trời, bởi có thời điểm hàng nghìn cá thể chim về cánh đồng của các xã trên địa bàn huyện Hải Lăng để kiếm ăn.
“Mỗi ngày, cũng kiếm được vài ba trăm nghìn, có hôm cả tiền triệu. Dù biết vi phạm nhưng đây là nghề truyền thống lâu nay của bà con nơi đây, khi mà mùa nước lũ không biết làm gì để có tiền cả”, một người dân đang găm những con cò giả để đặt bẫy ở cánh đồng xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, biện minh.
Chính vì suy nghĩ như vậy, nên nhiều người dân trên địa bàn huyện Hải Lăng và các khu vực lân cận chuẩn bị đủ loại bẫy để bắt chim trời đem bán. Không còn công khai bày bán ven đường như thời gian trước, giờ đây các loài chim di cư cũng ít dần thế nên chúng được các nhà hàng, quán nhậu đặt trước.
Hàng trăm mét lưới "tàng hình" trên đồng ruộng khiến không thể con chim di cư nào có thể thoát. Ảnh: Minh Tân
Tận diệt hơn là hàng trăm mét lưới “tàng hình” được dăng dọc theo bờ ruộng, từ chim sẻ, đến các loại chim sáo đá… di trú về đây. Có lúc, cả trăm con chim giãy dụa trong lưới. Ban đêm, lúc những đàn chim cò tìm nơi trú ngụ ở các rừng tràm, bãi tre lại bị những đối tượng dùng súng, ná để săn trộm. Thậm chí, nhiều đối tượng còn “khoe” chiến tích trên mạng xã hội.
Để tránh bị xử lý, một số cá nhân rao bán online những loài chim cò đã được làm thịt. Điều này, gây khó khăn cho công tác xử lý cũng như ngăn chặn.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, người dân cũng đã dần hình thành ý thức bảo vệ các đàn chim di cư. Bà Hoàng Thị Tươi, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, cho biết, trước đây, cứ vào mùa nước ngập đồng thì chồng bà đi săn, bẫy chim. Tuy nhiên, giờ cuộc sống đỡ khó khăn hơn, rồi được tuyên truyền vận động, chồng bà đã mang những con cò giả, nan tre… đi đốt. “Giờ này, bà con ở xã cũng tự giác bảo vệ các loài chim, không cho con em, người dân trong xã và kể cả người nơi khác tới săn bắt. Thế nhưng, qua các năm các loài chim cũng thưa dần đi”, bà Tươi lo lắng.
UBND tỉnh sẽ kiểm tra đột xuất
Ông Lê Quang Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng cho biết, dù đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết, tuy nhiên, một số người dân quanh vùng sông nước coi đó như nghề truyền thống nên vẫn còn tình trạng săn bắt chim hoang dã diễn ra. "Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với các xã để huy động lực lượng công an, quân sự địa phương nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng trên".
Trong 2 ngày 13, 14/10, chỉ tại khu vực đồng ruộng xã Hải Dương, lực lượng Kiểm lâm huyện Hải Lăng phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền xã đã thu giữ 34 con cò giả, 5 tay lưới “tàng hình” và hơn 350 thanh tre keo dính... để bẫy bắt chim hoang dã. Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản hiện trường và đã tiến hành tiêu hủy các loại bẫy, lưới trên.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Hải Lăng triển khai thu hồi các công cụ để săn bắt chim trời. Ảnh: Minh Tân
Dù không đặt bẫy, lưới công khai như một số xã trên địa bàn huyện Hải Lăng, thế nhưng ở các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị, một số đối tượng vẫn lén lút, bẫy, săn bắt chim trời dù đã được tuyên truyền vận động.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành văn bản triển khai các nội dung liên quan.
Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương các cấp yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật. Đồng thời, không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.
Một đối tượng khác trên địa bàn huyện Vĩnh Linh lén lút sử dụng súng, ná để săn chim di cư rồi khoe trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Tân
Đối với các cơ quan thực thi pháp luật công an, kiểm lâm, hải quan, quản lý thị trường tăng cường công tác phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn bắt, buôn bán… tiêu thụ các loài chim di cư, hoang dã. UBND tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm hành vi săn bắt, vận chuyển, kinh doanh… tàng trữ các loài chim hoang dã, di cư cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư đúng quy định hiện hành.
“Sau khi có văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo, chúng tôi sẽ giao cho ngành chức năng đi kiểm tra đột xuất. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng săn, bắt, tận diệt động vật hoang dã, trong đó có các loài chim di cư, hoang dã thì địa phương, đơn vị đó chịu trách nhiệm theo quy định”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định.