Xử lý thế nào vụ giả mù chữ để bớt thi lý thuyết cấp bằng lái xe?
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có công văn gửi Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai tổ chức kiểm tra xác minh thông tin "Giả mù chữ ăn bớt thi lý thuyết cấp bằng lái xe"; có giải pháp ngăn chặn các hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số giả không biết đọc, viết tiếng Việt để được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tại địa phương đối với một số trường hợp đặc thù.
Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng có người môi giới để một số người dân biết đọc, biết viết xin chính quyền địa phương xác nhận là mù chữ để nhằm giảm thiểu câu hỏi ở phần thi lý thuyết khi sát hạch bằng lái xe hạng A1.
Qua xác minh, có đến 77/127 học viên biết đọc, viết tiếng Việt nhưng vẫn được các địa phương xác nhận "mù chữ" để giảm thiểu câu hỏi trong phần thi lý thuyết trong quá trình sát hạch giấy phép lái xe.
Lãnh đạo UBND huyện Bát Xát (địa phương có 93 trường hợp) khẳng định: "Chính quyền huyện sẽ kiên quyết xử lý những cán bộ đã để xảy ra việc xác nhận mù chữ đối với những người dân trong quá trình làm hồ sơ sát hạch đối với lái xe hạng A1. Trong quá trình xác minh nếu có dấu hiệu của tội phạm sẽ yêu cầu lực lượng công an huyện vào cuộc điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật".
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Công ty Hệ thống Pháp lý Luật sư X) cho biết: Căn cứ Khoản 3 Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
"Hiện nay có rất nhiều địa phương ra quyết định cho phép những người thuộc diện dân tộc thiểu số bị mù chữ được tạo điều kiện khi thi lý thuyết trong quá trình thi sát hạch bằng lái xe. Lợi dụng điều đó đã có rất nhiều đối tượng sử dụng chiêu trò để xin giấy chứng nhận mù chữ từ UBND xã để có thể "ăn bớt một phần lý thuyết" chỉ với một khoản tiền nhất định. Như vậy, có thể thấy đây là một điểm hạn chế cần phải được sớm bổ sung khắc phục để làm hạn chế tình trạng này", luật sư Nghĩa nêu.
Theo luật sư, đối với những cán bộ tiếp tay cho hành vi vi phạm trên cấp giấy chứng nhận mù chữ sai quy định có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định khung hình phạt với Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:
Khung 1: Phạt tù từ 1 năm đến 6 năm đối với người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, trong trường hợp các cán bộ chỉ nhận tiền và thực hiện thủ tục này cho các đối tượng cò mồi môi giới thì đây là hành vi nhận hối lộ và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Căn cứ Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.
Trường hợp công chức, viên chức phạm tội nhận hối lộ bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.