Xử lý vi phạm nồng độ cồn - Hiệu quả từ chính sách đến thực tiễn
Bài 1: Chính sách đúng thời điểm
Nếu những ngày đầu triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo quy định mới (từ 1/1/2020), lực lượng chức năng đã gặp rất nhiều trường hợp lái xe chống đối, vi phạm kịch khung, bỡ ngỡ trước mức xử phạt cũng như thời hạn giữ giấy phép lái xe của Nghị định mới (Nghị định 100/2019/NĐ-CP) thì thời gian gần đây, số lượng người sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông đã giảm. Việc mạnh tay xử lý “ma men”, bền bỉ tuyên truyền của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng và cả người dân, nên chỉ trong hơn 2 năm, chính sách đã có hiệu quả trong thực tiễn.
Từng bước đi vào thực tiễn
Nhớ lại những ngày đầu tiên, để tạo được nền nếp đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, lực lượng chức năng đã vấp phải những khó khăn vì thói quen điều khiển xe tuỳ tiện của người dân, coi thường tính mạng và tài sản của chính mình. Rất nhiều người bị phạt, rất nhiều tai nạn thương tâm để lại hậu quả đau lòng xuất phát từ việc người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.
Nhờ tuyên truyền, lực lượng chức năng tích cực tuần tra, xử lý vi phạm, giờ đây nhiều người dân cảm thấy mình “khác thường” khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
Những ngày đầu năm 2020 khi việc xử lý vi phạm nồng độ cồn theo mức mới quy định tại Nghị định 100 cũng đã vấp phải nhiều luồng dư luận trái chiều. Nhiều người cho rằng mức phạt quá nặng, không mang tính răn đe, trong khi uống rượu bia từ lâu đã trở thành “văn hoá của người Việt”.
“Xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, người tham gia giao thông đã sử dụng rượu bia thì tìm đủ mọi lý do để giải thích cho mình như: Uống rượu thuốc, ăn hoa quả hoặc lý do nào đó để người ta có nồng độ cồn trong người” - Đại uý Vũ Cường, Tổ trưởng Y5/141, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội cho biết.
Tổ công tác liên ngành Y5/141 Hà Nội triển khai phương án xử lý vi phạm nồng độ cồn tại tuyến đường Yên Phụ
Theo thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, chỉ tính riêng 2 ngày đầu triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100, lực lượng chức năng đã xử phạt 12 trường hợp. Trong đó có 2 trường hợp bị phạt tới 35 triệu đồng. Đáng nói, có nhiều trường hợp chống đối lực lượng chức năng, thậm chí có trường hợp còn mạo danh Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo để gây sức ép, buộc lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm.
Xử phạt nồng độ cồn là công cụ hữu hiệu ngăn chặn các tài xế say xỉn điều khiển xe gây nguy hiểm cho cộng đồng. Lái xe sau khi uống rượu bia từ lâu đã trở thành vấn nạn giao thông và xử phạt nồng độ cồn là việc tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia văn minh trên thế giới.
Các nhà lập pháp ở các nước luôn cố gắng củng cố và đưa ra các chế tài xử phạt khắt khe dành cho hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn để nâng cao ý thức người dân, tránh các tai nạn rủi ro xảy ra.
Ví như ở Mỹ, sau khi cảnh sát dùng thiết bị để đo nồng độ cồn trong hơi thể của tài xế, nếu thấy dấu hiệu say, tài xế thường sẽ bị tạm giữ bằng lái và sẽ bị tạm giam cho tới khi được thẩm phán cho tại ngoại hoặc có người nộp tiền bảo lãnh. Tài xế sẽ được cấp giấy phép lái xe tạm thời, giấy phép này có hiệu lực trong khi tòa án đang xem xét có tước bằng lái của tài xế hay không.
Còn ở Đức - đất nước mà bia là thức uống đã trở thành thương hiệu - thì người dân vẫn chấp hành tốt các quy định liên quan đến nồng độ cồn khi lái xe, bởi pháp luật Đức rất nghiêm khắc đối với những người vi phạm trong lĩnh vực này. Nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05mg lái xe sẽ bị phạt từ 500 - 1.500 euro, bị cấm lái xe trong vòng từ 1 đến 3 tháng đồng thời sẽ bị trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe.
Một người nếu bị trừ đến 8 điểm thì sẽ bị tịch thu bằng lái và phải thi lại. Những người có nồng độ cồn cao hơn 1,1 miligam sẽ được coi là phạm tội hình sự, có thể bị tước giấy phép lái xe ít nhất 6 tháng và trong trường hợp nghiêm trọng người lái xe có khả năng sẽ bị cấm lái suốt đời…
Tổ công tác Y11/141 thực hiện kiểm tra nồng độ cồn tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội
Ở Việt Nam cũng vậy, khi Chính phủ “ra” Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngay từ 1/1/2020 kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến ý thức người cầm lái, giúp kéo giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.
Chính sách đã đưa ra đúng thời điểm những con số về tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu chiếm hơn 70% số vụ tai nạn. Điều quan trọng là chúng ta - những người hằng ngày, hằng giờ tham gia giao thông trước nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đã đủ quyết tâm và sẵn sàng thay đổi chưa?
Hà Nội “mạnh tay hơn nữa” với vi phạm nồng độ cồn
Là trái tim của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, đi đầu và “làm gương” trong mọi hoạt động. Trong việc tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng không ngoại lệ.
Việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã giúp tai nạn giao thông giảm sâu. Và với chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội sẽ làm mạnh tay hơn nữa trong công tác này. Đối với các trường hợp có hành vi chống đối, cản trở, nếu cấu thành tội phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý hình sự theo quy định.
Trên Fanpage Thông tin Chính phủ của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, bài đăng "Thông báo đến cơ quan nếu cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn" ngày 13/2 về văn bản của UBND TP Hà Nội nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã nhận được hơn 33.000 tương tác, hơn 6.600 lượt like, hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Các bình luận đều ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội nhằm phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Nồng độ cồn của anh N vượt 0,4mg/lít khí thở khi bị cán bộ Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội kiểm tra
Đây là văn bản của UBDN TP Hà Nội vừa ban hành ngày 13/2 để tiếp tục xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu thông báo hành vi vi phạm của người là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.
Trước đó, Nghị định 100 với mức xử lý vi phạm nồng độ cồn cao, tịch thu phương tiện và tạm giữ giấy phép lái xe trong thời gian dài khiến nhiều tài xế đã dần thay đổi thói quen điều khiển phương tiện trên địa bàn Hà Nội. Điều này đã thể hiện sự kiên quyết của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, “cuộc chiến” mới chỉ ở giai đoạn đầu khi thói quan “lách”, “chạy”, “xin” khi vi phạm giao thông, trong đó có lỗi vi phạm nồng độ cồn vẫn còn. Những người vi phạm chi lo bị phạt chứ không lo cho tính mạng, tài sản của bản thân, ảnh hưởng đến xã hội. Rồi lại tự hào vì xin nhanh, lấy xe sớm, không bị phạt… thay vì việc xấu hổ vì vi phạm khi điều khiển phương tiện và không chấp hành việc nộp phạt.