Xử nghiêm hành vi bạo lực sau va chạm giao thông
“Vấn nạn” bạo lực sau va chạm giao thông
Nguyên nhân xảy ra va chạm giao thông rất đa dạng, nhưng thường do một bên hoặc các bên có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như đi ngược chiều, đi sai làn, lạng lách, đánh võng,… Các nguyên nhân trên dễ dẫn đến cãi vã, xô xát giữa những người va chạm giao thông, thậm chí một số người còn “kéo bè kéo cánh” để trả thù, gây thương tích, thậm chí gây chết người.
Mới đây, ngày 12/6, trên tuyến QL26 (đoạn qua xã Krông Púk, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) xảy ra vụ va chạm giao thông giữa ô tô khách 16 chỗ và xe máy đi cùng chiều phía trước. Dù không có thiệt hại về người nhưng hai bên đã lời qua tiếng lại, bất ngờ tài xế và phụ xe khách lao vào đánh người đàn ông đi xe máy. Vụ việc chỉ dừng lại khi được người dân can ngăn và có sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó cũng liên tiếp xảy ra những vụ ẩu đả sau va chạm giao thông khiến nhiều người phải nhập viện. Tối 28/5, sau va chạm ô tô, một nam tài xế ở Hải Phòng bị nhóm người đánh “hội đồng” phải cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.
Ngày 21/5, một người lái ô tô ở Phú Yên sau va chạm giao thông với một thanh niên đi xe máy cũng xảy ra cãi vã, xô xát. Ban đầu, tài xế ô tô lấy gậy bóng chày để đánh nhưng bị thanh niên giật lấy gậy và đánh trả gây chấn thương sọ não. Ngày 11/5, một người phụ nữ lái xe máy bị một cặp vợ chồng hành hung sau khi tông vào cháu bé trên đường xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng. Nguyên nhân được xác định do cha cháu bé bất cẩn để cháu chạy ngang đường, đúng lúc xe máy chạy tới khiến cả nữ tài xế và cháu bé ngã ra đường.
Hay vụ việc xảy ra tại Bình Dương vào chiều 12/2, sau khi xảy ra va chạm giữa hai xe máy trên đường Thuận Giao 20 (Thuận Giao, TP Thuận An), hai tài xế nảy sinh mâu thuẫn, cãi nhau. Một người gọi điện cho đồng bọn chuẩn bị hung khí để tìm đánh nhóm đối phương, dẫn đến một người tử vong.
Làm gì để tránh mâu thuẫn?
Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo, va chạm giao thông là điều không ai mong muốn; do đó khi xảy ra va chạm, các tài xế cần bình tĩnh để giải quyết sự việc, tránh tranh cãi gây mâu thuẫn dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Ngay sau khi va chạm giao thông, người dân cần gọi ngay cho cơ quan công an để đến giải quyết sự việc, nếu có người bị thương thì cần liên lạc với cơ quan y tế để cấp cứu.
Trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng đến giải quyết, nếu nhận thấy người xung quanh có thái độ hung hãn, sử dụng bạo lực thì tài xế cần giữ khoảng cách an toàn, hô hoán người xung quanh giúp đỡ hoặc có thể sử dụng điện thoại để ghi lại hành vi gây hấn để làm bằng chứng tại cơ quan chức năng.
Trả lời báo chí, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định rằng: “Nguyên nhân dẫn đến những trường hợp va chạm chỉ là do vô ý và hậu quả để lại là không đáng kể nhưng hệ lụy do chính cách ứng xử của những người liên quan lại rất nghiêm trọng bởi gây ra thương tích, thậm chí xảy ra án mạng. Điều này cho thấy một bộ phận người Việt ngày càng thể hiện sự côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật, thiếu kiềm chế và không chuẩn mực khi tham gia giao thông”.
Nhìn chung, dù tai nạn giao thông xảy ra do lỗi của mình hay người khác, việc đánh người như vậy là vi phạm pháp luật, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi đánh người sau khi va chạm giao thông có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền tuỳ theo mức độ vi phạm, tối đa có thể lên tới 8 triệu đồng, đồng thời buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị đánh.
Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Tuy nhiên, nếu hành vi đánh người nhưng thuộc các trường hợp như sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm,... sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”, nhẹ nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Thiết nghĩ, mâu thuẫn từ những vụ va chạm giao thông đều có thể được xử lý ổn thoả nếu các tài xế giữ được bình tĩnh, ứng xử văn hoá, không để căng thẳng “leo thang”, từ đó có thể tránh những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc như một số vụ việc nêu trên.