Xử nghiêm hành vi “chạy chức, chạy quyền”: Quyết tâm của Đảng trong việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương
Xử lý nghiêm các vi phạm của cán bộ, đảng viên
Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (Quy định 69), thay thế Quy định số 07-QĐi/TW về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XII.
Là Quy định về kỷ luật của Đảng lớn nhất, hoàn thiện nhất từ trước đến nay, Quy định 69 đã hệ thống tương đối toàn diện, đầy đủ, cụ thể và bao quát các phương diện trong đời sống xã hội. Các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được đặt trong một quy định thống nhất, đồng bộ để xác định cụ thể các hành vi và chế tài xử lý làm căn cứ để kỷ luật. Quy định cũng thể hiện tinh thần Kết luận 21-KL/TW, thể hiện quyết tâm nhất quán của Đảng trong việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực đã xảy ra trong một bộ phận tổ chức đảng, đảng viên.
Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”, Quy định 69 đã bổ sung hình thức “Cảnh cáo” đối với hành vi: bao che, không xử lý hoặc không kiến nghị xử lý đối với đảng viên có hành vi “chạy chức, chạy quyền”, tham nhũng, tiêu cực, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, giấy chứng nhận, giấy xác nhận không hợp pháp. Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, quản lý trực tiếp đảng viên.
Nhiều ý kiến cho rằng, Quy định số 205-QĐ/TW có đề cập đến cách xử lý hành vi “chạy chức, chạy quyền”, bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền” nhưng chưa đề cập cụ thể các hành vi vi phạm sẽ bị kỷ luật Đảng là gì. Do đó, Quy định 69 lần này đã nêu rất cụ thể từng hành vi vi phạm tương ứng với mức độ bị xử lý kỷ luật. Theo đó, kỷ luật bằng hình thức “Khiển trách” với các hành vi như: Tiếp cận, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn; Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân; Can thiệp, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét đánh giá, bỏ phiếu, giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân…
Nếu có một trong các hành vi sau đây sẽ bị kỷ luật “cảnh cáo” hoặc “cách chức” (nếu có chức vụ): Đã bị kỷ luật khiển trách mà tái phạm; Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng; Không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; Bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn; Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Với hành vi “Đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng” sẽ bị kỷ luật bằng hình thức “Khai trừ”.
Đối với “Vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC)” (Điều 30), Quy định 69 cũng bổ sung nhiều hành vi vi phạm phải bị kỷ luật “Cảnh cáo” hoặc “Cách chức” (nếu có chức vụ). Đó là: Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách; Tiết lộ thông tin, đe doạ, trả thù, trù dập người phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; Lợi dụng việc phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực để vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân; Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới đầu tư xây dựng công trình giao thông, công trình công cộng gần nhà mình không đúng quy hoạch nhằm trục lợi…
Ở mức độ cao hơn, các hành vi: Mở tài khoản chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mua, bán tài sản ở nước ngoài trái quy định; Tổ chức, tham gia hoạt động rửa tiền dưới mọi hình thức; Không bồi hoàn, giao nộp tiền, tài sản đã sử dụng, chiếm đoạt do tham nhũng; Không chủ động thu hồi hoặc cản trở thu hồi tài sản tham nhũng… sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật “Khai trừ”.
Như vậy, việc bổ sung các hành vi tại Điều 30 như trên đã cụ thể hóa các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và đồng bộ với các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018…
Ngoài việc mang tính răn đe, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm của cán bộ, đảng viên, nội dung trên còn đề cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương, tự rèn luyện bản thân của đảng viên cùng với trách nhiệm tuyên truyền giáo dục, vận động gia đình, người thân trong đấu tranh PCTNTC, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và giữ vững kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Không ai có thể đứng ngoài cuộc
Chưa bao giờ dư luận thôi lo ngại và bức xúc về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhất là vấn đề “chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp”… Mặc dù thời gian gần đây, công tác PCTNTC được Đảng ta đẩy mạnh với tinh thần quyết tâm, quyết liệt; nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, kéo dài đã được đưa ra ánh sáng, xử lý triệt để, nhưng tình trạng này chưa có chiều hướng thuyên giảm mà ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Nếu như trước kia, khi xử lý hành vi lạm dụng quyền lực, “chạy chức, chạy quyền”..., một số cán bộ có chức trách thường lợi dụng sự chưa rõ ràng trong các văn bản pháp quy để bao che cho đối tượng vi phạm; thậm chí với những vi phạm đã đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn giữ lại để xử lý hành chính, thì đến nay, sau khi có Quy định 205, Đảng ta lại tiếp tục cụ thể hóa các hành vi vi phạm và mức xử lý kỷ luật tại Quy định 69. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Đảng ta có một văn bản chỉ rõ từng hành vi vi phạm trong thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đưa ra những chế tài rất cụ thể để chống tệ nạn này. Bởi vậy, Quy định 69 được ví như “liều vaccine” hữu hiệu, qua đó cơ bản “bịt kín” những khe hở cho những tiêu cực phát sinh.
Theo TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì phải có đội ngũ cán bộ trong sạch. Muốn có đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh thì chuyện “chạy chức, chạy quyền” là không thể chấp nhận được, phải bị loại bỏ. Có như vậy chúng ta mới có thể sáng suốt lựa chọn những cán bộ có đức, có tài để phục vụ cho cách mạng. Việc “chạy chức, chạy quyền” không chỉ người “chạy” hư hỏng mà cả những người nhận việc “chạy” cũng hư hỏng. Việc đó nếu xảy ra là hư hỏng từ trên xuống dưới, hư hỏng có hệ thống, kéo theo hệ lụy là không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. “Muốn xây dựng một Nhà nước pháp quyền thì mọi việc phải tuân thủ theo Hiến pháp. Còn đối với Đảng thì phải tuân thủ theo điều lệ của Đảng. Điều lệ Đảng đã ghi rất rõ, ai xứng đáng vào cấp ủy nào thì Đại hội sẽ bầu ra người đó, vậy tại sao lại “chạy chức, chạy quyền””, ông Chức nêu vấn đề.
Vì những lẽ đó, đây là một quy định rất được lòng dân, được nhân dân tán thành, ủng hộ. Tuy nhiên, với bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật hay nghị quyết, chỉ thị nào, nếu chỉ ban hành thôi thì chưa đủ, quan trọng vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Cuộc đấu tranh PCTNTC trong công tác cán bộ không chỉ bằng cơ quan chức năng mà quan trọng nhất vẫn là sức mạnh, là tai mắt của nhân dân. Hiện nay chúng ta vẫn phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, vì trên thực tế, cơ quan chức năng vẫn có thể bị người khác “mua chuộc”, chỉ có lòng dân thì khó “mua” được.
Vì vậy, để Quy định 69 phát huy tốt hiệu quả trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng phải có trách nhiệm góp sức, chứ không phải chỉ đứng ngoài cuộc để phán xét. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh: Ai không muốn làm thì đứng sang một bên để cho người khác làm. Với tinh thần kiên quyết đó, có thể không phải là ngày một, ngày hai nhưng chắc chắn cuộc đấu tranh PCTNTC của Đảng ta sẽ ngày càng phát huy hiệu quả; Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch và vững mạnh hơn.
Ngày 30/9 vừa qua, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Ban Cán sự Đảng phối hợp với Đảng ủy Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Ủy viên UBKT TW Cao Văn Thống quán triệt các nội dung của Quy định số 69, trong đó tập trung phân tích những điểm mới của Quy định số 69 so với Quy định số 102 ngày 15/11/2017 và Quy định số 07 ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm; Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 và Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 về việc thực hiện Kết luận số 34- KL/TW.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung đã được quán triệt, phổ biến tại Hội nghị cho cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng của đơn vị, của Đảng bộ, Chi bộ đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.