Xuất khẩu những tháng cuối năm: Nhận diện rào cản để tăng tốc
Hồi phục và khởi sắc
Sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh, từ đầu năm đến nay nền kinh tế đã và đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Sự phục hồi đó được thể hiện rõ nét qua mức tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực. Đơn cử như ngành thủy sản, may mặc, nông lâm sản... đều ghi nhận những con số kim ngạch ấn tượng tăng đều qua các tháng. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tiếp tục tăng cao, số mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” giữ vững đà tăng trưởng giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Có được những kết quả này là sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đơn cử, may mặc là một ngành đã trải qua không ít khó khăn bởi dịch Covid-19, tuy nhiên, với những nỗ lực để phục hồi sản xuất, 8 tháng đầu năm, ngành dệt may đã đạt được kim ngạch xuất khẩu đầy khả quan. Cụ thể, theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD. Ngành dệt may dự kiến, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt 43,5 tỷ USD.
Cũng với gam màu tươi sáng, xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước 8 tháng đầu năm nay đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2021. Giới chuyên gia đánh giá, đây là kết quả từ những nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu của ngành nông nghiệp nước nhà trong suốt thời gian qua. Dự báo những tháng cuối năm, nếu tốc độ này được giữ vững thì mục tiêu 55 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2022 hoàn toàn khả thi.
Da giày cũng đang phục hồi rõ nét với những con số khả quan. Theo đó, với nỗ lực của các DN trong ngành, cùng lợi thế cạnh tranh nhờ ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, hoạt động sản xuất, xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam có sự phục hồi rõ rệt. 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt hơn 14 tỷ USD, một con số đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có những tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng toàn cầu...
Có thể thấy, bức tranh xuất khẩu 8 tháng năm 2022 đầy gam màu tươi sáng với những con số xuất khẩu ấn tượng của các ngành hàng.
Còn nhiều rủi ro và thách thức
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm theo dự báo của Bộ Công Thương, sẽ xuất hiện một số yếu tố có thể tác động bất lợi đến kinh tế và thương mại của Việt Nam. Cụ thể, lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu; gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư và thương mại.
Ngoài ra, giá hàng hóa thiết yếu, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Dự báo của các hiệp hội, ngành hàng, DN cũng cho thấy, thời gian tới rủi ro, thách thức với hoạt động xuất khẩu còn rất lớn. Những thách thức này đến từ xu hướng lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU... khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng tới đơn hàng xuất khẩu của các DN.
Nói về những rào cản mà các DN may mặc sẽ phải đối diện, ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ nỗi lo giảm đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, tỷ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng chậm trong quý III và quý IV-2022 dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang giảm. Dự báo đơn hàng trong những tháng tới có thể giảm do tỷ lệ hàng tồn kho của thị trường Mỹ cao.
Hiện nay, diễn biến phức tạp của xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên, phụ liệu liên tục tăng cao đang bào mòn lợi nhuận, sức chống chịu của DN. Ở trong nước, khó khăn mà nhiều DN gặp phải đến từ tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu...
Một ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là da giày cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, hiện nay, tổng lượng tồn kho đối với mặt hàng thời trang nói chung và mặt hàng giày dép nói riêng còn rất lớn; nguồn cung nguyên phụ liệu bị hạn chế, gián đoạn và thiếu nguồn lao động...
Đánh giá hoạt động xuất khẩu thời gian qua, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, bên cạnh những mặt được của xuất khẩu vẫn tiềm ẩn tính chưa bền vững. Mặc dù cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công lắp ráp nên còn phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI.
Để tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững, ông Phương cho rằng, các DN cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai.
Đưa giải pháp ứng phó để xuất khẩu bền vững thời gian tới, bà Phan Thị Thanh Xuân lưu ý đến việc kết nối thông tin thị trường. Theo đó, thông qua các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, DN mong muốn tiếp nhận nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước để điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các DN đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới... Vấn đề tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho DN cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)…