Xuất khẩu nỗ lực bứt tốc
Cho dù ngành dệt may tăng trưởng khá, nhưng ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cân cho rằng dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, châu Âu… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may, giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các doanh nghiệp dệt may từ nay đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng.
Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý 3/2022, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay, một cuộc khảo sát cho thấy có 33 trong số 45 DN xuất khẩu hàng đi Mỹ thừa nhận mức doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Đặc biệt, khoảng 71% DN cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với tình hình thị trường như hiện nay, DN cho rằng nguồn thu sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
Tương tự, các DN thủy sản cũng đang đối diện với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này được dự báo có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của DN trong thời gian tới. Theo bà Lê Hằng - Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, xuất khẩu giảm tốc là do tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ.
Theo các chuyên gia, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc tận dụng tốt thị trường, khai thác tối đa các hiệp định thương mại sẽ là cơ hội để các DN xuất khẩu bứt tốc. Điều quan trọng là từng DN phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp, chủ động trước các tác động không mong muốn.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững cho hàng hóa Việt Nam, các DN cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác. Đồng thời, cần thay đổi để xây dựng và tham gia triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt các thị trường có các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), VASEP hiện nay có 279 DN thành viên và đang chiếm khoảng 80-83% kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong 2 năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm nay, dự báo lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.
“Con số trên cho thấy, dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội của chúng ta còn không ít, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia thì có một số thách thức đang tác động tiêu cực đến phát triển bền vững của ngành hàng. Đó là vấn đề chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Do vậy, VASEP kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó có chính sách giãn nợ cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, và cho vay các khoản vay mới” - ông Nam nói và cho rằng dù có khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn sẽ tăng trưởng.