1. Trang chủ /
  2. XUẤT KHẨU SANG CHÂU ÂU: Xây dựng thương hiệu để gia tăng thị phần

XUẤT KHẨU SANG CHÂU ÂU: Xây dựng thương hiệu để gia tăng thị phần

thứ ba, 9/8/2022 11:59 GMT+07
(PLM) - Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) nhưng thị phần có được vẫn rất thấp, thương hiệu sản phẩm chưa được nhiều đối tác biết tới.

Chưa tận dụng hết ưu đãi vì thương hiệu yếu

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - đánh giá, trong 2 năm EVFTA có hiệu lực cũng là 2 năm dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới nhưng doanh nghiệp (DN) Việt vẫn tận dụng tốt cơ hội, gia tăng kim ngạch xuất khẩu (XK), với tốc độ tăng đều là 2 con số, trong đó phải kể đến mặt hàng rau quả và thủy sản.

Tuy nhiên, thị phần có được lại rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường. Thực tế, DN Việt Nam có một tiềm lực lớn để chiếm lĩnh thị trường châu Âu (EU) nhưng để gia tăng thị phần thì còn rất nhiều thách thức. “Phải khẳng định việc xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng là rất quan trọng. Ví dụ như gạo thơm thì cần có thương hiệu, nhưng hiện thương hiệu gạo Việt rất yếu. Vì theo EVFTA, chúng ta có đến 30 ngàn tấn gạo thơm nhưng chúng ta chưa tận dụng hết.

Trong quá trình trao đổi với EU về việc cần nâng hạn ngạch XK hưởng ưu đãi nhưng họ cho rằng 30 ngàn tấn còn chưa dùng hết thì chưa nên nâng lên. Bao giờ tận dụng hết mới tính”, ông Khanh nói. Như vậy, vấn đề chính là ở các DN vẫn chưa tận dụng hết ưu đãi và chưa tận dụng hết vì chưa có thương hiệu. Điều này cũng được ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đề cập đến khi cho rằng, vấn đề chính là văn hoá thương mại của các DN Việt Nam khi chưa xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu.

XK gạo của Việt Nam hiện chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của đất nước. Trong đó, thị trường EU là một thị trường rất tiềm năng do mỗi năm thị trường này nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, thực tế, lượng hàng hoá nói chung của Việt Nam XK sang EU vẫn là rất nhỏ, trong khi đó Việt Nam đứng top đầu về XK gạo trên thế giới. “Nếu ở thị trường châu Âu chỉ có mỗi thương hiệu gạo Trung An thôi thì chưa thể tạo dựng được thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường này.

Do vậy, chúng ta cần có một chương trình hợp tác và các DN Việt Nam cần hợp sức tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở EU. Ví dụ như xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn châu Âu trên nền loại gạo ngon nhất của Việt Nam mà thế giới công nhận để cùng tạo ra và giữ gìn chất lượng và xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam”, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đưa ý kiến.

Nông sản Việt ở một siêu thị tại châu Âu


Không thể thỏa mãn với thành tích đang có

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho rằng: “Tốc độ tăng trưởng của chúng ta so với chính chúng ta là một chỉ tiêu tích cực nhưng so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, so với thị phần thì chưa phải là một tỷ lệ tốt. Do đó, cần phải xác định, chúng ta không thể thỏa mãn với thành tích, với thị trường, với những cơ hội như đang có hiện nay. Các doanh nghiệp phải tự nâng mình lên, không thỏa mãn với các thuận lợi hiện nay chúng ta đang có”.

Bởi theo ông Hải sẽ có những lúc thị trường không thuận lợi, trước mắt là dự báo khoảng 5-6 tháng nữa, DN có thể hết đơn hàng. Ngoài ra, còn chưa kể đến thời điểm mà lợi thế ưu đãi dành cho Việt Nam sẽ không còn độc quyền khi EU sẽ có hiệp định với một quốc gia hoặc một khu vực nào đấy (hiện EU mới chỉ ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và Singapore).

 “Khi các DN đã có được một số thuận lợi hay một sự tích lũy nhất định cũng là lúc DN phải nghĩ đến việc tự nâng tầm mình lên, để có những công ty sở hữu thương hiệu riêng như Trung An chứ không chỉ là xuất thô”, Phó Cục trưởng Hải chia sẻ.

Xây dựng chỗ đứng trên thị trường, thông qua việc xây dựng và định vị thương hiệu, theo ông Hải, đòi hỏi chiến lược và sự đầu tư bài bản, sự tư vấn của những chuyên gia… để làm sao DN Việt Nam không chỉ bán được hàng mà phải bán được hàng có thương hiệu. Đây là một công cụ, phương tiện để DN có thể tiêu thụ được sản phẩm, vừa mở rộng thị trường, vừa nâng cao giá trị khi XK vào thị trường EU. Hiện, sản phẩm của Việt Nam bán đa số trong lĩnh vực nông sản đều là sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô hoặc tỷ lệ sơ chế rất thấp, thường những sản phẩm như thế sẽ ít có thương hiệu, bởi đó chưa phải là sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Điều quan trọng là để có thể đến châu Âu, vẫn phải qua vài công đoạn chế biến nữa, đặc biệt là công đoạn cuối cùng khi đưa vào phân phối tiêu thụ mang tên của các nhà phân phối ở thị trường đó. “Đây là điều mà Bộ Công Thương đã nhìn thấy và chia sẻ nhiều trong suốt thời gian qua. Điều quan trọng là DN cần phải nhận diện được rõ ràng giá trị của thương hiệu, để từ đó có chiến lược đầu tư gia tăng giá trị và rút ngắn sự chênh lệch, không thể để hiện tượng giá cả cuối cùng đến tay người tiêu dùng và giá Việt Nam XK sang còn khoảng cách rất xa”, lời ông Hải.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 221 ra ngày 9/8/2022)