Xuất siêu lập kỷ lục mới: Tín hiệu đáng mừng?
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại
Theo công bố số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa trong 9 tháng năm 2023 ước đạt 259,7 tỷ USD, tuy vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng XK tháng 9 đã có mức tăng dương so với cùng kỳ khi có mức tăng 4,6%. Đây được đánh giá là xu hướng tích cực sau 3 tháng chỉ số này giảm sâu trong các tháng 6 - 7 - 8, trong đó tháng 6 giảm đến 13,8%.
Ngoài ra, tín hiệu tốt cho thấy XK có dấu hiệu ổn định trở lại trong 9 tháng qua thể hiện ở việc XK một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá như rau quả tăng 71,8%; Hạt điều tăng 14,3%; Gạo tăng 40,4%...
Bên cạnh đó, XK một số mặt hàng chủ lực cũng tăng trưởng dương trong tháng 9 như điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,1%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 3%. Riêng 2 mặt hàng chủ lực này đã chiếm tới 31% tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam.
Tín hiệu tích cực cũng đến từ nhập khẩu (NK) hàng hoá khi tốc độ tăng trưởng của tháng 9 đã đạt dương với mức 2,6% sau nhiều tháng giảm sâu. Ngoài ra, NK mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện trong tháng 9 cũng tăng 31,1% so với cùng kỳ; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 2%. Riêng 2 mặt hàng này chiếm đến 39,3% tổng kim ngạch NK hàng hóa của Việt Nam.
Ngoài ra, xét theo quý cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng của cả XK và NK đều có xu hướng phục hồi khi kim ngạch của các quý đều tăng dần lên so với quý trước. Theo đại diện Tổng cục Thống kê, từ những tín hiệu tích cực về kim ngạch XK và NK, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho XK của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Xuất siêu lập kỷ lục
Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK đạt 259 tỷ USD, NK đạt 238 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu hơn 21,68 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 6,9 tỷ USD). Đây được đánh giá là con số xuất siêu kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, từ đầu năm 2023 đến nay, con số xuất siêu liên tục tăng qua từng tháng và đến tháng 9 thì chạm mốc kỷ lục mới. Cán cân thương mại gia tăng sẽ tác động tốt tới thanh toán quốc tế, tỷ giá nhưng cũng thể hiện sự suy yếu của sản xuất trong nước bởi thống kê cho thấy, xuất siêu kỷ lục là do kim ngạch NK giảm mạnh hơn so với kim ngạch XK. Xuất siêu lý tưởng nhất vẫn là kim ngạch XK tăng mạnh hơn kim ngạch XK. Do đó, xuất siêu kỷ lục này cũng không được đánh giá cao.
Lý giải cho nguyên nhân vì sao kim ngạch XK vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng xuất siêu lại lập một kỷ lục mới, đại diện Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ nhưng kim ngạch NK giảm mạnh hơn XK nên cán cân thương mại đạt kỷ lục mới. Điều này không phải là một điều “quá tốt” bởi nếu NK giảm mạnh, tức là vấn đề sản xuất yếu đi. Sản xuất yếu đi đồng nghĩa với việc thiếu đơn hàng. Thực tế, cung toàn cầu hiện vẫn chưa phục hồi dù đã bắt đầu có tín hiệu từ tháng 8.
Tuy nhiên, các số liệu của 9 tháng qua cho thấy vẫn có tín hiệu vui dù kim ngạch XNK giảm mạnh. Cụ thể, số lượng mặt hàng XK trên 1 tỷ USD gia tăng, lên 37 mặt hàng (trong đó có 6 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD). Cơ cấu XK mặt hàng chế biến chế tạo vẫn chiếm đến 88% kim ngạch XK. Các thị trường truyền thống vẫn duy trì đà xuất siêu cao như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Bên cạnh đó, mặc dù tổng kim ngạch NK sau 9 tháng vẫn giảm nhưng NK các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng XK đã tăng trong tháng 9. Cụ thể, kim ngạch NK nhóm hàng cần NK tăng và chiếm gần 90% tổng kim ngạch NK của cả nước. Trong đó, kim ngạch NK các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng XK đều tăng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải các loại; xăng dầu... Cùng với đó, kim ngạch NK nhóm hàng cần hạn chế NK cũng giảm. Trong đó, sự sụt giảm được ghi nhận ở các mặt hàng như phế liệu sắt thép, đá quý, kim loại quý và sản phẩm...
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, dù không quá vui với con số xuất siêu kỷ lục sau 9 tháng nhưng có thể kỳ vọng kim ngạch XK những tháng cuối năm gia tăng. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có thể tiếp tục gia tăng đà XK cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.