Xung đột Hamas-Israel: Đoàn xe cứu trợ quy mô lớn tiến vào Dải Gaza
Trong báo cáo cập nhật tình hình sáng 30/10, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết 33 xe chở nước, thực phẩm và thuốc thang đã tiến vào Gaza qua cửa khẩu Rafah, ở biên giới Ai Cập.
Đến nay đã có 117 xe cứu trợ nhân đạo vào được Dải Gaza, trong đó khoảng 70 xe chở thiết bị y tế và 60 xe chở thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng, chỉ có 13 xe chở nước và thiết bị vệ sinh. Trước khi bị Israel phong tỏa hoàn toàn, mỗi ngày Dải Gaza đón nhận 500 xe hàng hóa cứu trợ.
OCHA cũng hoan nghênh việc Israel tạo điều kiện cho đoàn xe cứu trợ quy mô lớn vào Dải Gaza nhưng nhấn mạnh cần thêm nhiều xe nữa được vào thường xuyên hơn nữa để ngăn chặn tình hình nhân đạo đang xấu đi tại đây. Tình hình an ninh tại Dải Gaza có dấu hiệu xấu đi khi Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine cho biết đã ghi nhận các vụ đột nhập các kho hàng cứu trợ. Giám đốc cơ quan này, Thomas White, phản ánh người dân đang ngày càng lo sợ và tuyệt vọng. Người phát ngôn UNRWA Juliette Touma cho biết đám đông người dân đã xông vào 4 kho chứa hàng cứu trợ ngày 28/10.
Trong khi đó, khi điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 29/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng đáng kể lượng hàng hóa cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Giới chức Nhà nước Do Thái cho biết sẽ sớm cho phép tăng cường vận chuyển hàng hóa cho người Palestine ở dải đất này. Một quan chức Mỹ giấu tên ngày 29/10 cho biết Israel cam kết cho phép 100 xe chở hàng cứu trợ vào Gaza mỗi ngày, đây là số lượng mà Liên hợp quốc cho là cần có để đảm bảo các nhu cầu cơ bản của người dân Gaza. OCHA đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu cung cấp nhiên liệu để vận hành các thiết bị y tế, lọc nước và vệ sinh
Cơ quan Y tế Dải Gaza cho biết số người Palestine thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát đã vượt 8.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Xung đột bùng phát sau khi phong trào Hồi giáo Hamas, đang kiểm soát Dải Gaza, bất ngờ tấn công, xâm nhập lãnh thổ Israel hôm 7/10.
Phía Israel nhiều ngày qua không công bố số liệu thương vong mới. Trước đó, giới chức Israel cho biết cuộc xung đột đã khiến khoảng 1.400 người ở Israel thiệt mạng.
Những ngày qua, quân đội Israel đã thực hiện nhiều cuộc không kích, ném bom nhằm vào các mục tiêu Hamas trên Dải Gaza và đến nay đang thực hiện giai đoạn 2 của chiến dịch với cường độ tấn công cao hơn. Những con số trên đánh dấu lần xung đột gây thương vong nghiêm trọng nhất trong suốt nhiều thập kỷ xung đột Israel-Palestine.
Các hoạt động cứu trợ cho Dải Gaza cũng chỉ được phép thực hiện ở mức có giới hạn kể từ khi Israel tuyên bố phong tỏa hoàn toàn dải đất này, trong đó có việc cắt các nguồn cung nhu yếu phẩm, nước uống, điện và nhiên liệu mà phía Israel lo ngại sẽ phục vụ cả lực lượng Hamas.
Xung đột ngày càng leo thang sau khi phía Israel oanh kích Dải Gaza đêm 27/10, đánh dấu chiến dịch quân sự bước sang giai đoạn 2 với cường độ tấn công cao hơn. Ngày 29/10, người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cho biết lực lượng này đã tấn công hơn 450 mục tiêu Hamas trong 2 giờ trước đó, trong đó có các điểm được cho là trung tâm chỉ huy cùng nhiều địa điểm phóng tên lửa chống tăng của phong trào này.
Trong khi đó, Hamas cũng cho biết lực lượng này đụng độ với binh lính Israel xâm nhập tây bắc Dải Gaza cùng vũ khí và tên lửa chống tăng, lực này vẫn tiếp tục bắn rocket về phía Israel, trong đó có cả trung tâm Tel Aviv. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 29/10 cảnh báo khi thế giới sẽ phải chứng kiến thảm họa nhân đạo khi Israel đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.
Không chỉ người dân ở Dải Gaza mà người Palestine ở Bờ Tây cũng đang hứng chịu hậu quả của xung đột. Ngày 29/10, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông cáo chỉ trích các cuộc tấn công “không thể chấp nhận được” của người định cư Israel nhằm vào người Palestine ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, dẫn đến cái chết của một số dân thường Palestine ở Qusra và Sawiya, buộc một số cộng đồng phải di rời.
Bộ Ngoại giao Pháp bày tỏ lo ngại bạo lực do những người định cư gây ra đối với người Palestine ở Bờ Tây đang ngày càng gia tăng và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức những hành động này. Paris kêu gọi chính quyền Israel thực hiện các biện pháp ngay lập tức để bảo vệ người dân Palestine.
Theo Bộ Y tế có trụ sở tại Ramallah, hơn 100 người Palestine đã thiệt mạng ở Bờ Tây kể từ khi giao tranh bùng phát ở Dải Gaza, chủ yếu là trong các cuộc tấn công của lực lượng Israel hoặc các cuộc tấn công của người định cư.