Yên Bái: Xe chở quặng hoành hành tàn phá đường dân sinh, người dân "gồng mình" chống chọi với ô nhiễm
Đường liên thôn "oằn mình", dân khiếp đảm
Nhận phản ánh từ những người dân các thôn Khe Pháo, Gốc Trám, Bản Tát, và thôn Nhược, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái ) về tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước, nguồn không khí, tiếng ồn và tuyến đường liên thôn bị phá nát, do hoạt động khai thác vận chuyển, chế biến khoáng sản của Công ty cổ phần khoáng sản Đại Phát.
Ngày 4/3/2022 nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt tại địa bàn này để ghi nhận sự việc.
Từ tỉnh lộ 166 đoạn trước cửa UBND xã Châu Quế Hạ rẽ vào đường liên thôn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp từng đoàn hàng chục xe tải trọng lớn, cơi nới thành thùng, vận chuyển quặng sắt mà không cần che đậy bạt.
Từng đoàn xe nối đuôi nhau quần thảo khiến mặt đường hằn sâu thành vệt, biến dạng và trồi lên những ụ sống trâu dài hàng trăm mét.
Những tảng quặng sắt màu xám xịt nặng hàng chục kg nằm hớ hênh sát mép thùng xe, cùng nghiêng ngả theo tiếng gào rú của động cơ khi vượt dốc, lúc vướng ổ gà ổ voi đều có nguy cơ đổ ụp xuống đầu người đi đường bất cứ lúc nào .
Bắt đầu từ thôn Gốc Trám, chúng tôi đã nhiều lần giật thót tim phải dừng lại và lùi tránh đám “hung thần” đang xồng xộc xông ra từ những cua đường chật hẹp.
Trao đổi với phóng viên, chị Ng trú tại thôn Bản Tát vô cùng bức xúc: “Khủng khiếp lắm các anh ơi ! dạo này còn đỡ rồi, chứ thời gian trước mưa nhiều, lầy lội có ai dám đi ra khỏi nhà đâu.
Nếu có việc thật cần thiết thì cũng phải nhờ xe chở quặng loại 2 cầu mới đi được ra khỏi đây. Công ty cũng có sửa đường đấy, nhưng sửa hôm trước, thì hôm sau xe chở quặng của họ lại bằm nát ngay, nên người dân chúng em quanh năm suốt tháng phải chịu đựng thế này.
Giờ chỉ mong nhanh hết quặng ngay đi để có con đường yên ổn mà làm ăn thôi…” . Tìm hiểu qua người dân, được biết đây là con đường huyết mạch dẫn vào 5 -6 thôn, nay quy hoạch sát nhập lại còn 3 thôn gồm thôn Gốc Trám, Bản Tát và thôn Nhược.
Vật lộn với quãng đường huyền thoại khoảng gần 10 km với ý định vào mỏ, nhưng lúc này xe chúng tôi đã không thể di chuyển được nữa vì bị quệt gầm nên đành quay trở lại.
Theo chân đoàn tải nặng quay ra, chúng tôi không ít lần chứng kiến cảnh người dân nơi đây chịu lép vế, tấp vào lề đường tránh nguy hiểm và bụi bặm.
Tới tỉnh lộ 166 tại khu đông dân cư nhất, thì những xe quặng quá tải không đậy bạt này lại phải ga thốc tháo, để lấy đà vượt dốc tạo khung cảnh ồn ã và khói bụi, bỏ mặc các phương tiện khác đang dạt ra 2 bên đường vì khiếp đảm.
Dọc 2 bên bờ suối và những dải cát còn đọng lại nhiều mạt sắt đen kịt. Được biết trong quặng sắt có rất nhiều chất độc hại như chì, thạch tín, lưu huỳnh, phốt pho, a sen và hàng loạt các loại tạp chất khác có thể gây hại cho sức khỏe đời sống con người .
Theo quan sát thực tế, có thể nói hiện tại việc xử lý các loại chất thải ở đây đang đi ngược qui trình, bởi không những xả nước đục ra sông Hồng, Công ty này còn chôn lấp đổ chất thải dạng cát đuôi quặng bừa bãi ra xung quanh.
Cụ thể họ dùng hàng nghìn m3 chất thải để san lấp mặt bằng tại thôn Ngọc Châu cách xưởng tuyển khoảng gần 2 km.
Điều nguy hiểm hơn cả là điểm đổ thải đó lại nằm sát với Trường mầm non Châu Quế Hạ, và tỉnh lộ 166 tiềm ẩn ô nhiễm nặng, ảnh hưởng sức khỏe của các cháu bé học sinh, cũng như người tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Triệu Hữu Khuê – Trưởng thôn Khe Pháo cho biết: “Đúng là hệ thống xử lý xả thải của Công ty cổ phần khoáng sản Đại Phát không đảm bảo.
Người dân đã phản ánh rất nhiều về tình trạng tiếng ồn và bụi bặm vì họ làm 24/24 cứ 3 ca/ ngày, mỗi ca 8 tiếng nên rất ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân và học hành của các cháu...
Chỉ biết là xã và huyện đã về kiểm tra, nhưng tôi không được chứng kiến tham dự vì họ lên Công ty làm việc riêng với nhau mà".
"Còn việc đổ thải ở đây thì ngoài khuôn viên nhà máy ra, ai có nhu cầu san lấp mặt bằng, Công ty này đều đổ cho miễn phí. Nhà tôi có trang trại gần đó cũng được họ đổ cho một ít để san ra làm vườn. Thôi thì mình cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn mà”, ô ng Trưởng thôn Khe Pháo nói thêm.
Còn các cơ quan chức năng huyện Văn Yên trả lời về vấn đề này như thế nào, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.