Yên Thủy, Hòa Bình: Dân tố doanh nghiệp nổ mìn phá đá làm hư hỏng nhà dân
Nhà cửa bị rạn nứt, hư hỏng
Hộ ông Đinh Văn Ánh và bà Hà Thị Bé, xóm Bờ Sông, cách điểm nổ mìn khoảng 600m. Ông Ánh cho biết: Ngay từ ngày đầu Nhà máy Xi măng Xuân Sơn tổ chức nổ mìn khai thác đá, ngôi nhà mái bằng của gia đình đã bị rung lắc, có dấu hiệu rạn nứt ở tường, trần nhà. Mấy tháng sau vết nứt to hơn. Trời mưa, nước từ trên trần thấm xuống, bà Bé phải lấy chậu hứng.
Ngoài nhà ông Ánh, còn nhiều nhà khác trong xóm như hộ bà Bùi Thị Phúc, Phan Thị Thuận, Nguyễn Thị Hoa, ông Phan Văn Lợi, Lê Tiến Long… nhà cửa, công trình phụ, bể nước cũng bị hư hỏng.
Điển hình, ngày 24/10/2022, nhà máy nổ mìn với khối lượng lớn, nhà cửa bị rung lắc mạnh, tấm phù điêu gắn ở đầu hồi nhà ông Lâm Phúc bị rơi xuống nền đất. Bà Bé đã gọi điện báo UBND xã, Công an xã, Trưởng xóm Bờ Sông, đơn vị nổ mìn đến chứng kiến, lập biên bản xác nhận vụ việc.
Ông Lê Tiến Long, cho biết, nhà ông cách mỏ đá hơn 300m, mỗi lần nhà máy nổ mìn, cửa chính, cửa sổ rung lên bần bật, nhiều nơi trên tường nhà đã bị rạn, đáy bể nước bị nứt không còn giữ được nước.
Nhiều người phản ánh, trước đây cuộc sống của người dân xóm Bờ Sông rất yên ả, thanh bình, nhưng từ khi nhà máy nổ mìn, cuộc sống của bà con có phần bị đảo lộn, ăn không ngon, ngủ không yên. Ngày đêm chỉ lo tai bay vạ gió vì mìn nổ, khói bụi.
Bà Đinh Thị Liên bức xúc: Nhân dân gửi đơn phản ánh, kiến nghị lên UBND tỉnh, UBND xã lại trả lời thay tỉnh. Dân kiến nghị một đằng, xã trả lời một nẻo.
Ông Đinh Duy Qúy chia sẻ, dân gửi đơn lên tỉnh. Tỉnh chuyển xuống huyện, huyện chuyển xuống xã. Xã trả lời quanh co, dân cử người đem đơn lên tỉnh gặp Chủ tịch UBND tỉnh. Vậy là đơn của dân cứ “tít mù nó lại vòng quanh”. Dân kêu cứ kêu. Mìn nổ, cứ nổ.
Để bảo vệ nhà cửa, tài sản của mình, trưa ngày 8/11/2022, khi nhà máy vừa nhồi thuốc nổ vào lỗ khoan, chuẩn bị nổ mìn, 35 người dân xóm Bờ Sông kéo lên khu mỏ đá, ngăn chặn không cho nhà máy nổ mìn. Việc dân tổ chức “quây” nhà máy là điều bất đắc dĩ. Rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Ngay sau đó lực lượng Công an huyện, các cơ quan chức năng huyện Yên Thủy, UBND xã Ngọc Lương đã có mặt, yêu cầu nhà máy dừng nổ mìn, có biện pháp bảo vệ an toàn khối lượng thuốc nổ đã nhồi vào lỗ, đồng thời vận động bà con giải tán, không tụ tập, ảng hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Từ khiếu nại, kiến nghị với số ít người, càng ngày số lượng người ký đơn càng nhiều. Từ gửi đơn thư, người dân đã chuyển sang tụ tập đông người, tổ chức “quây” doanh nghiệp, ngăn chặn nhà máy nổ mìn. Đây là dấu hiệu cảnh báo, nếu chính quyền xã Ngọc Lương, UBND huyện Yên Thủy, không xử lý dứt điểm vụ việc, thì xóm Bờ Sông sẽ trở thành điểm nóng về khiếu kiện, tố cáo.
Đối thoại để giảm nhiệt điểm nóng
Nhằm tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp với người dân, chiều 12/11/2022, UBND huyện Yên Thủy và UBND xã Ngọc Lương đã tổ chức cuộc đối thoại giữa Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm với công dân xóm Bờ Sông (đây là cuộc đối thoại thứ 3 trong năm 2022).
Tại cuộc đối thoại, người dân đều có những kiến nghị rất chân thành, mang tính xây dựng với Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm. Ý kiến của người dân đề nghị nhà máy giảm lượng thuốc nổ khi nổ mìn để không ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình phụ trợ, đời sống sinh hoạt, nhất là những gia đình sinh sống gần nhà máy.
Ông Trần Đình Tỵ, thay mặt gần 30 hộ có tên trong đơn, đề nghị lãnh đạo Công ty Xuân Khiêm đến trực tiếp từng hộ xem xét thực trạng nhà cửa, công trình của các hộ dân và có trách nhiệm với những thiệt hại đó, nếu những thiệt hại đó do nhà máy nổ mìn gây nên.
Ý kiến của ông Đinh Nho Liêm, rất cởi mở, có lý, có tình. Ông Liêm bày tỏ: Chính quyền và nhà máy trả lời đơn của công dân đều nói, nhà máy nổ mìn đúng liều lượng theo hộ chiếu nổ mìn. Tôi đồng ý, nhà máy đã được cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cấp phép nổ mìn. Từng đợt nổ đều có hộ chiếu. Đảm bảo khoảng cách. Nhưng, đấy là lý thuyết, thực tế khi nhà máy nổ mìn thì độ dư chấn lớn, có lần nổ rất lớn thì dư chấn vượt qua khoảng cách an toàn, gây nứt nẻ nhà cửa, đảo lộn sinh hoạt của người dân. Người dân xóm Bờ Sông đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình phải sớm vào cuộc, làm rõ, có giải pháp cụ thể. Không để người dân chờ đợi lâu dẫn đến bức xúc rồi manh động như trưa ngày 8/11. Như vậy người dân mới yên tâm, không còn đơn thư khiếu kiện. Dân có thuận thì nhà máy mới yên tâm sản xuất, kinh doanh. Nhà máy phát triển thì con em trong xóm, trong xã mới có việc làm, có thêm thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương, ông Lê Xuân Phương đề nghị Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm phối hợp chính quyền xã và ban quản lúy xóm Bờ Sông, thành lập đoàn kiểm tra xác minh hiện trạng nhà cửa của các hộ dân có tên trong đơn khiếu kiện, xác định rõ mức độ hư hỏng, nguyên nhân để công ty với người dân tìm được tiếng nói chung, chấm dứt ngay tình trạng tụ tập kéo lên “quây” nhà máy.
Ông Lê Xuân Phương yêu cầu nhà máy giảm lượng thuốc nổ, tăng cường tưới phun sương trong thời gian nghiền đá để không gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xóm Bờ Sông. UBND xã sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động nổ mìn của Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ (MICCO) và Nhà máy Xi măng Xuân Sơn.
Ông Phương cho biết, tại cuộc đối thoại, Công ty CP Xuân Khiêm đã cam kết với các hộ dân xóm Bờ Sông sẽ tạm dừng nổ mìn phá đá xây dựng mặt bằng Nhà máy Xi măng Xuân Sơn cho đến khi được các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình kiểm tra, kết luận, cho phép tiếp tục nổ mìn và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Diện, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghiệp, Công ty MICCO, đơn vị trực tiếp nổ mìn tại Nhà máy Xi măng Xuân Sơn, cho biết, trước khi nổ đại trà, đơn vị đã phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm cùng các đơn vị: Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Yên Thủy tổ chức đo giám sát ảnh hưởng nổ mìn phá đá tạo mặt bằng Nhà máy Xi măng Xuân Sơn, có sự chứng kiến của UBND xã Ngọc Lương, xã Đoàn Kết và xóm Bờ Sông.
Kết quả, các dữ liệu phản ánh tại các hộ chiếu nổ mìn như: Tốc độ dao động cực đại (mm/s); mức áp suất âm cực đại (dB); khoảng cách đá văng (m), đều đạt trong mức quy định cho phép theo QCVN 01:2019/BCT. Đặc biệt các đợt nổ đều không ghi nhận có đá văng.
Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Diện cũng lưu ý: Để đảm bảo an toàn cho công trình gần nhất cần bảo vệ và không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đơn vị tư vấn thi công và đơn vị thi công cần tính toán, lựa chọn quy mô bãi nổ, phương pháp nổ phù hợp với từng khu vực và vị trí thi công nổ mìn.
Trong thời gian qua, Nhà máy Xi măng Xuân Sơn, Công ty MICCO tổ chức nổ mìn đúng lượng thuốc nổ, đảm bảo khoảng cách an toàn, nhưng do đặc thù địa chất của khu vực xóm Bờ Sông, nên độ dư chấn mạnh hơn nên có ảnh hưởng đến nhà cửa của một số hộ xóm Bờ Sông. Như vậy, kiến nghị của các hộ dân xóm Bờ Sông với nhà máy và Công ty MICCO cần giảm lượng thuốc nổ trong các đợt nổ mìn thấp hơn so với hộ chiếu, là có cơ sở.
Doanh nghiệp cầu thị, trách nhiệm
Sau khi nhận được kiến nghị của người dân và ý kiến của UBND huyện Yên Thủy bà Đinh thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Tập đoàn Xuân Khiêm đã trực tiếp đến từng nhà dân có tên trong đơn, kiểm tra, ghi đầy đủ bằng hình ảnh từng vết nứt, vị trí, mức độ ảnh hưởng của từng hộ, đồng thời cam kết trước chính quyền xã Ngọc Lương và người dân xóm Bờ Sông, sẽ có trách nhiệm với những thiệt hại của các hộ dân, nếu, thiệt hại đó do nhà máy nổ mìn gây ra. Trước mắt, Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm hỗ trợ 258 triệu đồng cho 11 hộ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh cho bà con.
Ông Lưu Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc - Trưởng Ban Quản lý Dự án Nhà máy Xi măng Xuân Sơn lý giải: Việc công ty hỗ trợ tiền cho 11 hộ, trong đó có việc làm mái tôn chống thấm cho nhà ông Ánh, giúp đỡ ông Long sửa chữa bể nước, là trên tinh thần hỗ trợ chứ không phải bồi thường thiệt hại. Vì thực tế chưa có cơ sở để xác định các hư hỏng trên là do nổ mìn hay do nguyên nhân khác. Nếu sau khi UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo thực hiện, có hội đồng chuyên môn đánh giá xác định rõ nguyên nhân các hư hỏng là do nổ mìn, thì Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm không chối bỏ trách nhiệm đối với những hộ bị thiệt hại. Đây là động thái tích cực, cầu thị thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh: Công ty luôn đặt quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân địa phương lên trên lợi nhuận sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm chỉ hoạt động khi nhận được sự đồng thuận của các hộ dân xã Ngọc Lương, xã Đoàn Kết và của các hộ dân xóm Bờ Sông.
Bà Đinh Thị Thu Hiền chia sẻ: Khi Nhà máy Xi măng Xuân Sơn ổn định sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm sẽ không bao giờ phụ lòng của bà con. Trước mắt, công ty sẽ lựa chọn, tuyển dụng con em là người địa phương cho đi đào tào nghề để phục vụ nhà máy.
Trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Bùi Văn Hải về vấn đề trên, chúng tôi cho biết, UBND huyện đã có văn bản đề nghị Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, quan trắc môi trường khu vực nổ mìn của Nhà máy Xi măng Xuân Sơn. Cần thiết sẽ kiểm tra đột xuất hồ sơ, hộ chiếu nổ mìn một số lần, từ đó đưa ra giải pháp để giảm mức độ dư chấn, nhằm đảm bảo an toàn, ổn định đời sống người dân khu dân cư xóm Bờ Sông và để Công ty MICCO tiếp tục nổ mìn, đảm bảo tiến độ xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Sơn.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Bùi Văn Hải cũng khẳng định: Huyện Yên Thủy sẽ giải quyết dứt điểm nội dung phản ánh, kiến nghị của công dân xóm Bờ Sông trên tinh thần đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết không để phát sinh điểm nóng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Đặc biệt không để ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của huyện, của tỉnh Hòa Bình.