Yêu cầu rút kinh nghiệm tại Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu
Rủi ro về tiến độ
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 1175/BGTVT-TC gửi UBND 2 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An; Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án 6 (đều thuộc Bộ GTVT) về việc triển khai thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu).
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6, với vai trò là chủ đầu tư Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, cần thực hiện nghiêm túc các kiến nghị được nêu trong Thông báo kiểm toán số 797/TB-KTNN về xử lý tài chính; công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong quản lý dự án...
Cục Quản lý đầu tư xây dựng được yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại trong công tác thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu bảo hiểm công trình.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài 50 km, đi qua địa phận 2 tỉnh: Thanh Hóa (6,5 km) và Nghệ An (43,5 km). Giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 16 m (giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện); giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m, mặt đường rộng 31,25 m. Tổng mức đầu tư Dự án là 7.293,22 tỷ đồng.
Đơn vị này cũng sẽ phải sớm chủ trì tham mưu, báo cáo Chính phủ về việc quản lý, sử dụng và xác định giá đất đắp khai thác tại các mỏ và doanh nghiệp được cấp quyền khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP, ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (đã khởi công và sắp khởi công) và Nghị quyết số 133/NQ-CP, ngày 19/10/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có Thông báo số 797/TB-KTNN về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.
Đây là lần thứ ba, Kiểm toán Nhà nước tiến hành “soi” Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang sử dụng vốn đầu tư công.
Trong đợt kiểm toán này, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện Dự án; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, chế độ tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật khác có liên quan. Thời hạn kiểm toán từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 và các thời kỳ trước, sau có liên quan.
Đến thời điểm kiểm toán (28/10/2022), các gói thầu thi công xây dựng thuộc Dự án vẫn trong quá trình thi công, giá trị thực hiện ước đạt 48,2% giá trị hợp đồng. Một số hạng mục quan trọng như hầm Trường Vinh đã đào, gia cố xong hai ống hầm, chuẩn bị thi công bê tông vỏ hầm; các hạng mục cầu trên tuyến đã thi công cơ bản hoàn thành cọc khoan nhồi, mố, trụ, đúc dầm…
Thông tin đáng chú ý nhất trong Thông báo số 797 là việc Kiểm toán Nhà nước khẳng định: chưa có bằng chứng cho thấy có dấu hiệu hành vi tham nhũng trong hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước vẫn “nhặt” được khá nhiều “sạn” trong quá trình tổ chức thi công và kiểm soát chất lượng tại công trình trọng điểm này, dù Dự án đã trải qua 2 lần kiểm toán vào các năm 2020, 2021.
Hạn chế đầu tiên được chỉ ra là, các nhà thầu thi công 4 gói thầu xây lắp chưa thực hiện điều chỉnh tiến độ thi công chi tiết cho các hạng mục công trình chậm tiến độ so với tiến độ thi công tổng thể được duyệt, để phù hợp với thực tế thi công công trình mà Tư vấn giám sát và Ban Quản lý dự án 6 phê duyệt theo Hợp đồng thi công xây dựng. Công tác lập, trình duyệt thiết kế bản vẽ thi công của cả 4 gói thầu còn chậm so với tiến độ thi công tổng thể được duyệt. Những hạn chế này thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị có liên quan.
Theo Quyết định số 338/QĐ-BGTVT, ngày 8/3/2021 của Bộ GTVT về phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, thời gian xây dựng công trình này chỉ khoảng 2 năm, hoàn thành vào tháng 7/2023.
Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, việc chậm tiến độ của Gói thầu XL02 do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thực hiện, cũng như vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi cho các gói thầu còn lại phần nào ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Ban Quản lý dự án 6 và Tư vấn giám sát, với việc tổ chức thi công như hiện nay, Dự án vẫn đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2023 như dự kiến.
Điều khoản bảo hiểm bất lợi
Ngoài nguy cơ tiềm ẩn về chậm tiến độ, công tác kiểm soát chất lượng thi công tại Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chưa thực sự chuyên nghiệp, với khá nhiều sai sót bị Kiểm toán Nhà nước “thổi còi”.
Cụ thể, nhà thầu chính chưa thực hiện bổ nhiệm Trưởng ban An toàn trình Tư vấn giám sát chấp thuận, chưa thực hiện báo cáo định kỳ về an toàn công trường cho Kỹ sư tư vấn giám sát; các nhà thầu phụ không thực hiện bổ nhiệm đại diện phụ trách về an toàn theo quy định.
Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng chưa có văn bản cam kết không sử dụng các thiết bị gây ồn, thiết bị có gia tốc rung vượt quá giá trị tối đa cho phép, cam kết sử dụng xe vận chuyển vật liệu không vượt quá tải trọng cho phép gửi bên A và địa phương theo quy định.
Đây là vấn đề tuy không liên quan trực tiếp tới công trình, nhưng trong thực tế, tại một số dự án giao thông khác đã xuất hiện khá nhiều vụ việc người dân khiếu nại liên quan việc nhà thầu sử dụng thiết bị lu rung vượt quá giá trị cho phép, gây nứt nhà dân.
Thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác 1 mỏ đất tại xã Trường Lâm (Nghi Sơn, Thanh Hóa).
Tuy nhiên, Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án 6 chưa làm việc với địa phương về việc xây dựng và công bố giá đất đối với các mỏ mà doanh nghiệp được quyền khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ làm cơ sở cho việc điều chỉnh đơn giá đất. Hiện tại, các bên đang thực hiện thanh toán giá trị nghiệm thu giai đoạn theo đơn giá đất của hợp đồng ban đầu, do đó chưa đủ điều kiện để Kiểm toán xác nhận chi phí liên quan đến công tác thi công lớp đất đắp nền đường có độ đầm nén thực tế đạt 95% so với trong phòng thí nghiệm (lớp K95), với giá trị 49,66 tỷ đồng.
Tại Gói thầu XL 04, hạng mục cát đen K90 theo hợp đồng ban đầu đã được thay thế bằng lớp cát hạt trung thoát nước nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng tính an toàn, đảm bảo yêu cầu thoát nước (đã được nghiệm thu hoàn thành). Tuy nhiên, hồ sơ thanh toán giai đoạn vẫn đang thanh toán theo khối lượng hạng mục cát đen K90 với giá trị 15,5 tỷ đồng là không chính xác. Ban Quản lý dự án 6 cũng chưa thương thảo bổ sung, điều chỉnh phụ lục hợp đồng đối với hạng mục cát thoát nước hạt trung lớp dưới thay thế lớp cát đen K90 để làm cơ sở thanh toán với các nhà thầu thi công.
Đặc biệt, hạn chế lớn nhất được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận tại Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là công tác tổ chức lựa chọn, đàm phán hợp đồng các gói thầu bảo hiểm.
Cụ thể, hồ sơ mời thầu Gói thầu BH01, BH02 quy định: “Nhà thầu phải kê khai những nhân sự chủ chốt có năng lực phù hợp đáp ứng các yêu cầu quy định và có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu; không được kê khai nhân sự chủ chốt được đề xuất huy động 2 gói thầu trùng nhau”.
Tại hồ sơ dự thầu của liên danh Tổng công ty Bảo hiểm PVI - Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, một số nhân sự phụ trách giải quyết tổn thất cho Gói thầu BH01 đã được huy động cho cả Gói thầu BH02. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trong quá trình chấm thầu, tổ chuyên gia chấm thầu của Ban Quản lý dự án 6 chưa phát hiện ra nội dung trên.
Đặc biệt, hồ sơ dự thầu và Hợp đồng bảo hiểm gói BH01 có điều khoản bổ sung: “Người bảo hiểm sẽ không bồi thường cho người được bảo hiểm những chi phí phát sinh liên quan đến những thay đổi trong biện pháp thi công hoặc do các điều kiện không lường trước được của đất đá hoặc các vật cản”. Kiểm toán Nhà nước khẳng định, việc đưa ra các điều kiện này làm cho những rủi ro cần bảo hiểm đối với gói thầu đã bị loại trừ, gây bất lợi cho chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, hồ sơ mời thầu của 4/4 gói thầu bảo hiểm đưa ra tiêu chí về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm làm hạn chế sự tham gia của một số nhà thầu là chưa phù hợp với quy định
tại khoản 5, Điều 3, Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn.
“Những hạn chế, tồn tại nêu trên thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án 6, cơ quan thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu là Cục Quản lý đầu tư xây dựng”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.