Cân nhắc khi đưa nhân vật thật lên phim
Khi “nhân vật thật” yêu cầu xin lỗi
“Em và Trịnh” có thể được xem là tác phẩm điện ảnh có sức nóng nhất từ đầu năm đến nay. Bộ phim tạo ra nhiều hiệu ứng, nhiều tranh cãi và cũng là phim phá kỉ lục “trăm tỉ” cho đến thời điểm này của năm.
Cạnh đó, phim cũng gây ra không ít ồn ào mà mới đây nhất là sự việc Giáo sư người Nhật Michiko Yoshii - người được xem là nguyên mẫu của nhân vật Michiko trong phim “Em và Trịnh” yêu cầu đoàn làm phim xin lỗi. Thông qua luật sư đại diện Nguyễn Thị Diễm Phượng, Giáo sư Michiko đã yêu cầu nhà sản xuất phim “Em và Trịnh” xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh, thông tin về bà nhưng không xin phép. Trong vòng 7 ngày kể từ 13/9, nhà sản xuất không phúc đáp lại yêu cầu từ Giáo sư Michiko thì luật sư đại diện sẽ nhờ Cục Điện ảnh can thiệp trước khi gửi đơn ra toà án.
Theo thông tin Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng cung cấp, đoàn làm phim chưa từng xin phép bà Michiko về việc đưa thông tin cá nhân, hình ảnh bà lên phim và bà Michiko cũng không biết gì, không đồng ý đưa nguyên mẫu câu chuyện của mình lên phim. Đồng thời, những thông tin bà Michiko xuất hiện trên phim có nhiều sai lệch so với sự thật và làm ảnh hưởng phần nào đến đời sống gia đình bà hiện tại.
Trước đó, đoàn làm phim cũng đã vướng phải lùm xùm khi danh ca Khánh Ly lên tiếng chỉ trích bộ phim thể hiện sai lệch hình ảnh của bà trên phim. Theo danh ca, bộ phim “cố ý gán ghép” bà và Trịnh Công Sơn, trong khi mối quan hệ giữa hai người thực tế hết sức trong sáng. Cạnh đó, phim có nhiều chi tiết không chính xác ảnh hưởng đến hình ảnh của Khánh Ly như cảnh bà đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn ăn. Khánh Ly cũng cho biết bà đã bày tỏ sự không đồng ý với nhiều chi tiết khi được xem kịch bản, nhưng rồi nhà sản xuất vẫn đưa lên phim bất chấp ý kiến của bà
Một “nguyên mẫu” khác của phim, ca sỹ Thanh Thúy cũng cho biết, nhiều chi tiết liên quan đến ca sĩ trong phim sai lệch với sự thật. Như chuyện Trịnh Công Sơn đưa Thanh Thúy về đầu ngõ, phong cách ăn mặc “diêm dúa” của Thanh Thúy trong phim không phù hợp vì thực tế thời điểm đó Thanh Thúy đang để tang mẹ...
Những phản ứng của các “nguyên mẫu” trong phim đã làm dấy lên những tranh luận sôi nổi. Một số ý kiến cho rằng, điện ảnh được phép sáng tạo và không nhất thiết phải “bê” nguyên thực tế ngoài đời, dẫu là phim làm về nhân vật có thật.
Tuy nhiên, không ít ý kiến khác lại chỉ trích đoàn làm phim “thiếu tôn trọng nguyên mẫu” khi xây dựng nhân vật đi quá xa so với thực tế, bất chấp có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của những nhân vật còn sống và người nhà của nhân vật đã khuất.
Mong manh ranh giới giữa “sáng tạo” hay “làm hỏng” hình tượng
Ranh giới giữa “sáng tạo” hay “làm hỏng” hình tượng nhân vật là một vấn đề được đưa ra tranh luận, không chỉ giới hạn trong bộ phim “Em và Trịnh”. Trên thế giới có rất nhiều bộ phim được xây dựng trên cảm hứng hoặc cuộc đời của nhân vật nổi tiếng có thật. Và trong số đó cũng không ít phim vướng phải kiện tụng khi chính nhân vật hoặc người nhà nhân vật cho rằng phim “bóp méo’ sự thật, bôi nhọ nhân vật hoặc công bố thông tin cá nhân khi không được phép.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, ở khía cạnh pháp luật, đoàn làm phim hay người viết sách, khi muốn đưa những hình ảnh, thông tin cá nhân liên quan đến chi tiết đời tư, tên tuổi... của một nhân vật lên phim bắt buộc phải xin phép nhân vật ấy. Nếu không, một khi nhân vật thu thập được bằng chứng chứng minh bộ phim “khai thác trái phép hình ảnh cá nhân” hoặc “tiết lộ thông tin riêng tư trái phép”, nhân vật có thể khởi kiện đoàn làm phim.
Luật sư Nguyễn Thanh Tùng cũng cho rằng, ngoài yếu tố pháp luật còn có đạo đức của người làm phim nên tôn trọng nhân vật bằng cách xin ý kiến trước khi làm phim, đồng thời cân nhắc những chi tiết có thể ảnh hưởng xấu đến danh dự, đời sống của nhân vật và người nhà họ.
Thời gian qua, điện ảnh trong nước đang có nhiều dự án phim về những nhân vật có thật, từ nhân vật lịch sử cho đến những người truyền cảm hứng đương đại. Có thể kể đến những dự án về Hai Bà Trưng, phim về cuộc đời của hai diễn viên xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, phim về cuộc đời của nghệ sĩ Quyền Linh, phim về xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh...
Những sự cố xảy ra cho phim “Em và Trịnh” cùng với nhiều câu chuyện từ điện ảnh nước ngoài có thể sẽ là bài học nhãn tiền cho các nhà làm phim. Làm sao để giải được “bài toán” tác phẩm điện ảnh vừa sáng tạo, bay bổng hơn thực tế, nhưng phải tôn trọng sự thật, tôn trọng nhân vật. Một bộ phim, dẫu có hay đến đâu, nhưng vi phạm quyền riêng tư, lại không tôn trọng nguyên tắc làm phim thì khó mà khiến công chúng ủng hộ hết lòng được.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 265 ra ngày 22/9/2022)