Cận Tết lại lo ngộ độc rượu
Nguy kịch, mù mắt vì rượu
Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam ngộ độc rượu nặng được chuyển từ Vĩnh Phúc lên cấp cứu trong tình trạng mê sảng, mắt không nhìn thấy gì.
Theo lời kể của gia đình, trước khi nhập viện, người này có uống rượu và gia đình không rõ rượu đó được mua ở đâu. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc rượu và đã bị mù mắt.
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Đ.V.K (59 tuổi, ở Thanh Hóa) bỗng dưng không nhìn thấy gì nên được đưa tới khám tại Bệnh viện Mắt trung ương. Tuy nhiên, thăm khám mắt lại không rõ nguyên nhân; các bác sĩ đã giới thiệu người bệnh sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vì nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc cồn công nghiệp.
Theo lời kể của gia đình, ông K. đã uống rượu nhiều năm nay, thường uống vào bữa sáng. Trước khi có biểu hiện mất thị lực, ông K. đi ăn sáng và uống rượu tại quán ăn gần nhà. Sau đó 2 ngày, ông có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn… và không nhìn thấy gì.
Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được chẩn đoán mất thị lực do ngộ độc rượu có chứa Methanol (cồn công nghiệp). Bệnh nhân còn bị xơ gan, mất chức năng tủy do uống rượu trong thời gian dài.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Mặc dù được cảnh báo rất nhiều, nhưng các ca ngộ độc rượu vào cấp cứu vẫn nhiều, có xu hướng gia tăng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia gia tăng. Gần đây, tại Trung tâm tiếp nhận nhiều ca uống phải rượu rởm pha cồn công nghiệp methanol đã bị biến chứng dẫn tới mù mắt. Đa số các trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Những loại rượu này chủ yếu bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí đưa vào cả các quán nhậu”.
Đáng lo ngại, tình trạng ngộ độc Methanol do uống phải rượu “rởm” khiến người uống không biết; ngộ độc rượu có chứa cồn Methanol lại diễn ra chậm và âm thầm nên đa số bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt; tỷ lệ tử vong lên tới 30-50%.
Để đảm bảo sức khỏe, đối với nam giới không nên uống quá 400ml bia loại 5 độ/ngày, đối với rượu mạnh từ 40 độ, không nên uống quá 50ml. Với nữ giới chỉ nên uống bằng một nửa lượng khuyến cáo với nam giới đổ lại. Với người đã uống rượu, bia, trong máu có nồng độ cồn thì không điều khiển phương tiện giao thông.
Cảnh báo chất lượng rượu
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, các ca ngộ độc rượu thường ở tình trạng ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian quá dài. Là chất tác động lên thần kinh, rượu khi vào cơ thể sẽ làm não mất khả năng kiểm soát.
Với rượu thông thường (Ethanol) khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa, đào thải nhanh; tuy nhiên, với rượu “rởm” pha chế bằng cồn công nghiệp (Methanol) thì lại có tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm, có khi tới 7 - 8 ngày sau uống, chất này vẫn có thể tồn tại trong máu. Đáng ngại, Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành Axit Formic, là chất độc hơn Methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh... Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, người dân có thể uống uống nhiều loại rượu khác nhau nên càng làm quá trình chuyển hóa Methanol càng chậm hơn. Bởi vậy, có nhiều trường hợp tới nhiều ngày sau khi uống rượu mới có biểu hiện mắt mờ, ngộ độc…
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phân biệt rượu Ethanol mà Methanol rất khó. Bởi rượu Methanol rất giống với rượu Ethanol thông thường, thậm chí rượu Methanol còn ngọt, dễ uống hơn. Ngay khi mới uống, cảm giác của người uống cũng giống với say rượu nên khó phân biệt. Tuy nhiên, nếu ngộ độc Methanol, khoảng 1 - 2 ngày sau uống mới có biểu hiện như: Mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh, co giật, hôn mê… đa số khi đến viện cấp cứu thì đã bị muộn, nặng, thậm chí dễ tử vong.
Chuyên gia cũng cảnh báo, đáng lo ngại, hiện các sản phẩm cồn công nghiệp Methanol được đóng chai với mẫu mã, hình thức, nhãn dán giống hệt cồn y tế và thậm chí bị trà trộn, bán tại các hiệu thuốc nên người dân “không biết đường nào mà lần”; điều này rất nguy hiểm.
Theo đó, chưa kể đến sự nguy hiểm của Methanol, ngay cả với rượu Ethanol “xịn”, nếu uống nhiều cũng có thể nguy hiểm tới tính mạng. Bởi rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể; có thể ảnh hưởng đến não, chức năng hô hấp, tim mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt... có thể làm mất khả năng kiểm soát của người uống.
Vì vậy, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, với những tác hại kể trên, người dân cần hạn chế sử dụng bia rượu; nhất là người mắc bệnh lý về tim mạch, hô hấp… không nên uống rượu. Với trường hợp người bị say rượu, nếu ngủ quên, người thân cần chủ động đánh thức, cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết; đặc biệt, trường hợp người say lâu không tỉnh hoặc nôn, không thể ăn uống cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.