Hàng loạt dự án chậm tiến độ ở Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm: Dấu hiệu hoạt động cầm chừng để “giữ đất”
Đặc biệt, một số đơn vị không thực hiện đúng mục tiêu như quy hoạch được phê duyệt là đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mà hướng tới kinh doanh bất động sản bằng cách lợi dụng cơ chế chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần, thậm chí “hợp đồng cho thuê trọn đời”.
Hơn 64% dự án chưa đưa vào khai thác, chậm tiến độ
KDL hồ Tuyền Lâm có tổng số 37 dự án đầu tư được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn dự kiến khoảng 10.679 tỷ đồng. Năm 2004, BQL chính thức thành lập. Trước đó, khoảng năm 2002 đã kêu gọi đầu tư, nhà đầu tư đăng ký, chỉ cần có cam kết là được giao đất thực hiện dự án.
Về tình hình triển khai các dự án, hiện có 13 dự án đưa vào khai thác kinh doanh toàn bộ và một phần theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp (5 dự án khai thác kinh doanh toàn bộ và 8 dự án kinh doanh một phần). Tổng vốn đầu tư của 13/37 DN đã đưa vào hoạt động kinh doanh đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, tạo ra một số sản phẩm du lịch tham quan, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng (có khoảng 949 phòng nghỉ),... đã mang lại một số hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực. Bên cạnh việc đóng góp các khoản thu cho ngân sách, các dự án đã giải quyết được việc làm cho khoảng 1.189 lao động, thu hút được du khách…
Đáng chú ý, còn lại 24 dự án (chiếm 64,8%) đang trong quá trình triển khai, chưa đưa vào hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp, còn chậm trễ. Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 3 dự án du lịch, nghỉ dưỡng nằm trong KDL hồ Tuyền Lâm do chậm tiến độ và không khả thi.
Các dự án bị thu hồi gồm: Khu nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế của Cty CP Đất Việt - VP; Làng văn hóa A.P.U của Cty CP Hoàng Gia Sài Gòn Đà Lạt và Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Đà Lạt.
Theo lãnh đạo BQL KDL hồ Tuyền Lâm, các dự án chậm tiến độ có một số nguyên nhân như: Hầu hết các đơn vị yếu năng lực, vướng mắc trong thủ tục hành chính khi điều chỉnh dự án.
Đặc biệt, một số đơn vị không thực hiện đúng mục tiêu như quy hoạch được phê duyệt là đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mà hướng tới kinh doanh bất động sản bằng cách lợi dụng cơ chế chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần, thậm chí “hợp đồng cho thuê trọn đời” trong khi cơ chế, quy định xử lý chưa đầy đủ. Điều này gây khó khăn trong đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án; nhiều chủ đầu tư viện đủ lý do, hoạt động cầm chừng, chủ yếu để giữ đất.
Nhiều dự án tại KDL hồ Tuyền Lâm chậm tiến độ, chưa đưa vào khai thác kinh doanh.
Ban quản lý khu du lịch nói gì?
Nghịch lý ở chỗ, trong khi các chủ đầu tư yếu năng lực cố gắng “giữ chỗ”, chây ỳ thực hiện dự án thì rất nhiều DN đủ năng lực lại mất đi cơ hội. Toàn KDL rộng 3.000ha, trong đó 1.400ha rừng bảo tồn, còn lại 1.600ha các dự án đã phủ kín. Theo ông Nguyễn Quốc Tuyến, Giám đốc BQL KDL hồ Tuyền Lâm, nhu cầu đầu tư vào KDL rất lớn do đặc thù địa hình, địa thế rất đặc biệt với hơn 320ha mặt nước, nước rất sạch với hồ trên núi; cảnh quan hiếm nơi nào có, khí hậu rất thuận lợi.
Đó là chưa kể KDL được định hướng mở rộng diện tích lên gấp đôi diện tích thực hiện dự án lên 5.600ha để kêu gọi thêm các nhà đầu tư. Nhiều DN lớn đã về khảo sát KDL tìm kiếm cơ hội như Sun Group, FLC…
Lãnh đạo BQL KDL cho biết, tại Kết luận số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ quyết liệt xử lý các dự án chậm trễ ở KDL hồ Tuyền Lâm, trong đó có cơ chế mở cho UBND tỉnh thẩm quyền gia hạn 24 tháng với các dự án để hoàn tất thủ tục, sau thời gian này vẫn không hoàn thành sẽ kiến nghị thu hồi. Trong quá trình đó BQL tiếp tục rà soát năng lực tài chính các nhà đầu tư. Đặc biệt, BQL sẽ mời các đại diện pháp luật của các đơn vị hoặc bên được ủy quyền hợp pháp lên làm việc về tiến độ dự án, kiên quyết không làm việc với nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Tuyến cho biết, sắp tới BQL sẽ có những động thái quyết liệt, bám sát quản lý theo quy hoạch chung mà Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đồng thời BQL cũng chủ động đo đạc lại các ranh dự án để tránh chồng chéo; kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung của khu vực như đường sá, hệ thống xử lý nước thải để thu hút đầu tư, phát triển KDL quốc gia.
Giải pháp nữa đang hoàn thiện là đưa vào vận hành phần mềm quản lý toàn bộ dự án bằng công nghệ. Sau khi cán bộ BQL chụp ảnh về, phần mềm sẽ tự động kết nối theo toạ độ, chỉ cần quan sát trên màn hình chính ở trụ sở BQL sẽ dễ dàng theo dõi tiến độ các dự án, các chủ đầu tư đang thi công hay không; phần mềm này còn hỗ trợ phát hiện, xử lý vi phạm chặt phá rừng, xây nhà trái phép trong KDL.
Nói về những khó khăn, lãnh đạo BQL cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quản lý các dự án là thẩm quyền. BQL được giao nhiệm vụ quản lý toàn diện toàn KDL nhưng thực tế vai trò chưa cao, chẳng hạn như không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ báo cáo, đề xuất. Thực tế có nhiều nhà đầu tư thường làm việc thẳng với các sở, ban, ngành của tỉnh mà không thông qua BQL nên nhiều trường hợp BQL không nắm được thông tin cụ thể. Trong khi đó việc quản lý dự án trong KDL đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ban ngành theo lĩnh vực được giao như: Sở KH&ĐT quản lý về tiến độ gia hạn; Sở Xây dựng quản lý cấp phép xây dựng…; hay như 1.400ha ha rừng bảo tồn nằm rải rác nên khi giao đất thực hiện dự án cần có lực lượng kiểm lâm kiểm đếm, bàn giao.
Vậy những nhà đầu tư nào bị cho đang hoạt động cầm chừng để giữ đất ở KDL hồ Tuyền Lâm; năng lực tài chính cũng như tiến độ hiện tại ra sao?
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.
Trao đổi với PLVN, ông Hoàng Việt Lâm, PGĐ Sở KH&ĐT Lâm Đồng nói chưa ghi nhận trường hợp chủ đầu tư “hướng tới kinh doanh bất động sản” khi thực hiện dự án ở KDL hồ Tuyền Lâm; việc kinh doanh bất động sản ở KDL Hồ Tuyền Lâm nếu có là sai.
Khi được hỏi về trường hợp nếu nhà đầu tư xây dựng công trình rồi cho thuê, ông Lâm cho rằng cần xác định cụ thể. UBND tỉnh và các sở, ban ngành quản lý dự án theo mục tiêu và chủ đầu tư thực hiện dự án và tiến độ. Do đó, việc chủ đầu tư cho thuê các tài sản tại dự án để khai thác kinh doanh phải thực hiện bảo đảm đúng chức năng của KDL quốc gia, đúng mục tiêu dự án và theo các quy định hiện hành.