HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG: Tăng cường quản lý để phát triển đúng định hướng
Tham dự Tọa đàm có đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Cơ yếu Chính phủ; các chuyên gia; các nhà báo và đại diện các đơn vị thuộc Bộ.
Báo chí có bước phát triển nhảy vọt
Trong những năm gần đây, hoạt động báo chí ở nước ta đã có những bước tiến vượt bậc, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động tạp chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Bên cạnh những ưu điểm và tác động tích cực, thực tiễn phát triển mạnh mẽ của hoạt động báo, tạp chí, các trang thông tin điện tử và mạng xã trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết trong lãnh đạo, quản lý, nhất là việc để xảy ra tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích và biểu hiện “thương mại hoá”, “tư nhân hoá” báo chí; tình trạng “báo hoá” tạp chí, trang thông tin điện tử…
Trước thực trạng nêu trên, để triển khai nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về quản lý đối với hoạt động báo chí truyền thông, ngày 14/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 156-KH/BTGTW.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn, thực hiện trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhằm cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm đề ra theo Kế hoạch số 156-KH/BTGTW, tạo cơ sở để Bộ Tư pháp tăng cường công tác quản lý đối với các cơ quan báo chí, tạp chí chuyên ngành, Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội.
Để tổ chức triển khai các nội dung theo Chương trình hành động đảm bảo nghiêm túc, thực chất, hiệu quả, có sự phân công trách nhiệm công việc rõ ràng, cụ thể giữa các cơ quan đơn vị, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm triển khai Chương trình hành động nêu trên. Đây là diễn đàn để các đại biểu đại diện các cơ quan định hướng, quản lý báo chí ở Trung ương, đại diện các cơ quan báo chí, các đơn vị thuộc Bộ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội tại Bộ Tư pháp phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Tăng cường vai trò của cấp ủy, lãnh đạo đơn vị
Tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên cho biết, thời gian tới, Vụ sẽ kiện toàn đội ngũ cán bộ trực tiếp vận hành Trang thông tin PBGDPL theo hướng chuyên trách xây dựng tin bài, tìm kiếm thông tin chính thống để đăng tải. Đồng thời mong muốn Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin tiếp tục phối hợp với Vụ PBGDPL để hoàn thiện, vận hành Cổng thông tin PBGDPL quốc gia.
Trong khi đó, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Đức Vinh khẳng định, Kế hoạch số 156- KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Việc Bộ Tư pháp ban hành chương trình hành động đã kịp thời giúp các cơ quan báo chí trực thuộc có cơ sở để thực hiện. Báo sẽ bám sát, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Bộ, trong đó sẽ đặc biệt chú trọng tới công tác quản lý báo chí và kiểm soát thông tin khi đăng tải.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cảm ơn và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý báo chí, các chuyên gia... tại Tọa đàm, đồng thời đề nghị Lãnh đạo các cơ quan báo chí thuộc Bộ, đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp phụ trách, quản lý vận hành Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức của người làm công tác báo chí truyền thông trong việc thực hiện Kế hoạch số 156 và mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Tăng cường vai trò cấp ủy, lãnh đạo của các cơ quan báo chí thuộc Bộ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo tuân thủ các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về mạng xã hội, đảm bảo tôn chỉ mục đích; công tác biên tập cần chính xác, trung thực, đúng định hướng tư tưởng của Đảng.
Phóng viên, biên tập viên, cán bộ phụ trách truyền thông, cộng tác viên cần tăng cường năng lực trình độ, phẩm chất chính trị đạo đức theo đúng yêu cầu Kế hoạch 156 đề ra. Thực hiện nghiêm đạo đức người làm báo, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Thứ trưởng cũng đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí dân chủ pháp luật, Tạp chí Luật học, Tạp chí Nghề luật quan tâm xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên tinh thông nghề báo, giỏi về nghiệp vụ pháp luật, tâm huyết để xây dựng các tuyến bài chuyên sâu, lan tỏa tri thức pháp luật. Văn phòng Bộ triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường quản lý công tác báo chí, truyền thông, hướng dẫn nghiệp vụ báo chí; có kế hoạch thanh tra, kiểm tra; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động của Bộ, ngành, trọng tâm là công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Cục Công nghệ thông tin đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn thông tin mạng…
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 264 ra ngày 21/9/2022)