1. Trang chủ /
  2. Học để "làm người" - Văn hóa học đường xuống cấp - người lớn không vô can

Học để "làm người" - Văn hóa học đường xuống cấp - người lớn không vô can

chủ nhật, 18/9/2022 09:33 GMT+07
Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn. Thậm chí các em lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của học đường…

Đau lòng bạo lực học đường

Mới đây, sau buổi lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Cự Đồng (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), một nam sinh của trường bị một nhóm kéo ra cổng trường để hành hung. Cô Đinh Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Cự Đồng cho biết, nam sinh bị hành hung là học sinh lớp 8 của trường, có mâu thuẫn với học sinh khác và bị một nhóm hành hung ngoài nhà trường. 

Trước đó, một nữ sinh Trường THCS Chu Văn An (TP Huế) cũng bị một nhóm học sinh cả nam và nữ đánh một cách tàn nhẫn sau khi đến trường tập các nghi thức chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.

Trong khi em nữ sinh này bị đánh thì có 4 bạn học sinh đứng xem. Đồng thời, có một người trong nhóm đã quay lại clip. Qua đoạn clip cho thấy, nữ sinh này liên tục bị một nữ sinh trong trang phục quần xanh, áo trắng dùng tay đánh đập, dùng chân đạp mạnh vào người. Chưa dừng lại ở đó, nữ sinh này còn bị túm tóc, giật và kéo lê xung quanh khu vực đất trống… Sau khi bị đánh, em này đã trở về nhà trong trạng thái hoảng loạn, đau đầu…

Cũng mới đây, Công an huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vừa ban hành Quyết định khởi tố bị can đối với C.T.T.H. (16 tuổi, học sinh lớp 11, ngụ tại xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn) để điều tra về hành vi “làm nhục người khác”. Theo đó, ngày 9/8, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nam sinh lớp 9 (ở Hà Tĩnh) bị một nhóm thanh niên đang học lớp 9 và lớp 10 chặn lại và đánh hội đồng. Mặc dù nạn nhân đã nằm xuống giữa đường và co người lại van xin nhưng nhóm thanh, thiếu niên gồm 6 người này vẫn không dừng lại, tiếp tục đá, đạp, giẫm vào người, thậm chí dùng mũ bảo hiểm đánh mạnh vào người nạn nhân... Tại cơ quan công an, nhóm học sinh này khai nguyên nhân dẫn đến sự việc trên xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Thực tế, tình trạng bạo lực học đường gần đây gia tăng và hiện không còn là vấn đề xã hội thông thường nữa mà nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của học sinh, gây bất an trong dư luận xã hội. Đau lòng hơn, nhiều em học sinh xem là chuyện bình thường, thậm chí một số em còn thích xem các bạn đánh nhau để quay clip tung lên mạng với mục đích “câu like”, “câu view”... 

Mỗi người lớn cần là tấm gương sáng!

Tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” cuối tháng 8 vừa qua, ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương chia sẻ, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, dân tộc, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng tạo điều kiện môi trường để hiện thực hóa: “Học để làm người” của giáo dục.

Theo ông Đào Duy Quát, tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất. Văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy” vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc của học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo, chứ không chỉ riêng thầy cô” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh minh họa)
Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo, chứ không chỉ riêng thầy cô” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh minh họa)

Cùng đó là tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên… Theo ông Quát, đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành Giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trao đổi về vấn đề văn hóa học đường, đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An cũng cho hay, văn hoá học đường vẫn có biểu hiện xuống cấp, đang là mối lo ngại, trở thành vấn đề “nóng” của xã hội. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh ứng xử thiếu văn hoá như nói tục, chửi bậy, thô lỗ, cục cằn; kết bè, kết phái, gây gổ, đánh nhau...

Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà ở cả học sinh nữ; gây hậu quả đáng tiếc và tác động xấu đến môi trường giáo dục. Một bộ phận học sinh có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, buông thả, thiếu trách nhiệm với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và với chính bản thân mình. Các em trở nên chây lười trong học tập, sa vào các thú vui không lành mạnh, các trò chơi điện tử, sống trong thế giới ảo của mạng xã hội.

Một bộ phận học sinh chưa đủ kiến thức, lười biếng tìm hiểu, cập nhật, nắm bắt kịp thời các thông tin chính thống, không ngần ngại đưa ra các phát ngôn có tính kích động trên mạng xã hội để tăng độ “nóng” cho các thông tin, sự kiện đang được dư luận quan tâm.

Đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An kiến nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng các nội dung đăng tải trên mạng Internet, nhất là các kênh Youtube, Tiktok…; cần có chế tài xử lý tình trạng bắt nạt trực tuyến nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho học sinh.

ạnh cho học sinh. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh 2 trọng tâm lớn để xây dựng văn hóa học đường là xây dựng môi trường trường học lành mạnh và con người chuẩn mực (bao gồm nhà quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên, người lao động trong cơ sở giáo dục).

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, phải có yêu cầu, quy định sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề và giỏi phương pháp sư phạm. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm. Học sinh phải được rèn luyện, bồi dưỡng trong các giờ học, trong các hoạt động của nhà trường, để hình thành các phẩm chất đạo đức, nhân cách, bắt đầu từ những việc nhỏ hằng ngày như ứng xử lễ phép, đúng mực, đúng giờ, học tập nghiêm túc,… Xây dựng, phát triển văn hóa học đường phải song song với việc chống và kiên quyết chống lại các biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài.

Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ GD-ĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, cần tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Để thực hiện điều này, Bộ trưởng cho rằng, không chỉ có nhà trường, mà cả xã hội, phụ huynh, cần tham gia cùng các nhà giáo. Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng đẹp cho học sinh noi theo. Không thể phó thác chỉ cho thầy cô làm gương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta cần quyết tâm xây dựng văn hóa học đường để đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất. Đồng thời, chính trong môi trường đó cũng cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững. Từ đó, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có tinh thần lan tỏa và bền vững”...

Cần phông văn hóa từ gia đình
Theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu y học - xã hội học phối hợp Tổ chức Plan thực hiện, trong số 3.000 học sinh tại Hà Nội được hỏi, có tới hơn 2.000 em cho biết từng bị bắt nạt với các hình thức: mắng chửi, đe dọa, đặt điều, sỉ nhục, bắt phạt. Còn theo điều tra của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ có khoảng 40% trẻ chia sẻ với bố mẹ, người thân về những rắc rối mà mình gặp phải ở trường học. Chính việc không nói ra được những khó khăn của mình đã khiến các em rơi vào trạng thái lo lắng, chán nản, sợ đến trường. Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), bạo lực học đường có thể dẫn đến tai nạn thương tích. Với những học sinh có thần kinh yếu hoặc những em có vấn đề tâm lý, tinh thần không bình thường thì có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn như tự tử, bỏ học, vi phạm pháp luật, sa vào nghiện hút, đâm chém nhau, gây rối loạn xã hội. Ông An cho rằng, nguyên nhân của bạo lực học đường là do việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục các em mới chỉ là khẩu hiệu chứ vẫn rất lỏng lẻo. Để ngăn chặn bạo lực học đường, bên cạnh sự quan tâm của nhà trường, giải pháp căn cơ vẫn xuất phát từ phía gia đình. Mỗi một gia đình cần có một nền tảng giáo dục con cái nhất định. “Giáo dục gia đình là quan trọng. Các bậc cha mẹ cần có kiến thức để bảo vệ con cái, hỗ trợ, giúp con giải tỏa trong mọi vấn đề, từ đó giảm sự bùng phát, tức giận trong con trẻ để không dẫn đến bạo lực. Về phía nhà trường, cần giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng, tránh bạo lực xâm hại và các vấn đề liên quan đến đời sống. Không nên chỉ tập trung vào việc nhồi nhét kiến thức, chạy theo thành tích, điểm số”…

Có thể bạn quan tâm