Điện ảnh nên “thoáng” để sáng tạo hay “chuẩn mực” để an toàn?
Phim “Ròm” từng phải chỉnh sửa rồi mới được ra rạp.
Chủ đề sôi động nghị trường Quốc hội
Dư luận đang “nóng” lên trước những ý kiến đóng góp liên quan đến Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận. Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã thẳng thắn chia sẻ rằng điện ảnh Việt đang bị kiểm duyệt một cách cảm tính, khắt khe, khiến khó có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Vị Đại biểu này cho biết: “Phim Việt Nam nhận giải thưởng nước ngoài nhưng bị cấm chiếu ngay tại sân nhà vì không đáp ứng được thuần phong mỹ tục hay phản ánh hiện thực quá đen tối. Nhưng có nơi nào trên thế giới này chỉ có những điều tốt đẹp mà không có mặt trái xã hội? Ngay tại New York, trung tâm kinh tế tài chính thế giới cũng có những người vô gia cư co ro dưới ánh đèn sáng choang. Điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ hình ảnh này”.
Không ít đại biểu đồng tình với ý kiến của Đại biểu Phạm Trọng Nhân. Một số đại biểu cho rằng, một bộ phim nhà làm phim làm ra với bao tâm huyết, nhưng “cắt thẳng tay” với “nói bỏ là bỏ” thì bất công với giới làm phim. Đó là chưa kế đến, liệu tiêu chí duyệt phim có thực sự chuẩn mực, phù hợp với xu thế của điện ảnh quốc tế?
Câu chuyện kiểm duyệt phim vẫn luôn là vấn đề gây nhiều luồng ý kiến trái chiều của điện ảnh Việt. Trong buổi tọa đàm “Ai góp ý giơ tay lên” được giới làm phim tổ chức trực tuyến hồi tháng 9 nhằm góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ, nhiều nhà làm phim có tiếng của điện ảnh Việt đã bày tỏ nhiều vấn đề, trong đó không ít bức xúc quanh câu chuyện kiểm duyệt “làm khó” điện ảnh.
Tìm tiếng nói chung
Tất nhiên, không thể “đổ tội” tất cả cho Hội đồng kiểm duyệt. Thực tế, lượng phim mỗi năm mà Hội đồng phải kiểm duyệt là không nhỏ, gần như quá sức. Cạnh đó, có những vấn đề khác nhau thuộc về góc nhìn và quan điểm. Trong khi nhà làm phim hướng đến những vấn đề thuộc về khía cạnh nghệ thuật, tư duy làm phim, hội nhập quốc tế thì các tiêu chí mà hội đồng kiểm duyệt hướng đến thường liên quan đến những khía cạnh về thuần phong mỹ tục, đạo đức... Điều này dễ dẫn đến những mâu thuẫn, đối chọi.
Giới làm phim có ý kiến cho rằng các nhà làm luật, nhà kiểm duyệt cần đặt thêm niềm tin vào năng lực, tư duy của những người làm phim, vì bản thân họ cũng yêu nước, yêu điện ảnh, muốn đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Tại diễn đàn về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cũng nêu thực tế vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, Hội đồng thẩm định phim đang can thiệp quá sâu vào nội dung phim để buộc các nhà làm phim thay đổi nội dung mới cấp phép, phổ biến. Ông Phạm Nam Tiến cho rằng, để có sự nhìn nhận đúng mức và đạt được sự đồng thuận cao, Hội đồng thẩm định phim và các nhà sản xuất phải ngồi lại với nhau, có tiếng nói chung về vấn đề này trên cơ sở của bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, rõ ràng.
Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, có những kỳ vọng lớn vào việc sửa đổi Luật Điện ảnh sắp tới và mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa được những chính sách lớn hướng đến sự cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, dễ áp dụng để có sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước và những người hoạt động điện ảnh, hạn chế vướng mắc, tâm tư lâu nay xảy ra, chẳng hạn như vướng mắc về thẩm định và phân loại phim truyện hiện nay.
Phim “Vị” mất 7 năm để thực hiện nhưng không thể tiếp cận khán giả Việt Nam, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất. Phim “Ròm” mất 8 năm để hoàn thành, đã trải qua một hành trình đầy gian nan, từ việc thắng giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019, sau đó bị phạt, thậm chí bị đòi tiêu hủy, rồi sau bao phen chỉnh sửa lại bản phim mới được ra rạp và “Ròm” cũng được coi là trường hợp may mắn “hiếm hoi”.