Lắng nghe 11 “linh hồn” của tác phẩm điện ảnh được gọi tên tại Oscar
Bên cạnh các giải thưởng chính dành cho dàn diễn viên, đạo diễn, “Best Original Song" - hạng mục nhằm vinh danh bản nhạc phim gây ấn tượng nhất cũng được người hâm mộ trông đợi không kém.
Bạn hãy cùng điểm danh 11 “linh hồn” của các tác phẩm điện ảnh được gọi tên tại lễ trao giải Oscar từ năm 2012 đến nay.
"Skyfall” (2012)
Nhạc phim thuộc tác phẩm cùng tên nằm trong chuỗi siêu phẩm điện ảnh “James Bond: 007” đã được xướng tên tại Oscar lần thứ 85.
Chủ nhân ca khúc - “họa mi nước Anh” Adele, chỉ tốn 10 phút cho khâu viết lời và ghi âm sau khi đọc toàn bộ phần kịch bản dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ian Fleming.
“Let It Go” (2013)
Ở lần trao giải thứ 86, giai điệu huyền thoại đối với cả người lớn lẫn các bạn thiếu nhi đến từ bộ phim “Frozen” đã được trao chiếc cúp Oscar.
Ca khúc phản ánh khát vọng và hành động đầy mạnh mẽ của cô nàng Elsa khi dám vứt bỏ chiếc vương miện nặng trĩu.
Bộ phim của nhà Disney cũng được xướng tên ở hạng mục “Best Animated Feature."
“Glory” (2014)
Bản nhạc tiếp theo được gọi tên tại Oscar lần thứ 87 là “Glory” thuộc tác phẩm “Selma."
Ca khúc mang đậm chất hip hop được tạo bởi những đoạn rap, với thông điệp “Một ước mơ có thể thay đổi cả thế giới," cũng giống như truyền tải ước nguyện của nhân vật chính mà bộ phim lấy cảm hứng - Martin Luther King Jr.
“Writing On The Wall” (2015)
Ở lần thứ 88, series “James Bond: 007” với siêu phẩm “Spectre” lại vinh dự sở hữu bản nhạc phim thứ hai được gọi tên tại Oscar.
Ca khúc được thể hiện bởi giọng ca người Anh - Sam Smith, mang đến cảm giác ma mị và quyền lực, nhưng rất đỗi khoắc khoải của James Bond khi nhận nhiệm vụ bảo vệ Madeleine Swann.
“City Of Stars” (2016)
Đây là ca khúc đến từ “La La Land” - bộ phim “ẵm” 6 chiếc cúp Oscar lần thứ 89.
“City of Stars” (“Thành phố của những vì sao”) là câu hỏi bâng quơ, có phần bất cần của những kẻ khờ mộng mơ, rằng thành phố đầy sao này liệu sẽ một lần chiếu rọi trên họ và để họ được tỏa sáng trong ước mơ của chính mình.
“Remember Me” (2017)
Tiếng guitar được gảy đầy dịu dàng, ấm áp gắn với ký ức của 3 thế hệ trong bộ phim hoạt hình của Tây Ban Nha - “Coco” khi cất lên đã khiến không ít khán giả phải rơi lệ.
“Chúng ta chỉ thật sự biến mất khi không còn ai nhớ đến mình," vì vậy hãy nhớ đến tôi và đừng khóc nhè khi tôi phải rời xa bạn nhé.
“Shallow” (2018)
Bản nhạc phim đầy nội lực được thể hiện bởi Lady Gaga và Bradley Cooper thuộc tác phẩm “A star is born” được gọi tên tại Oscar lần thứ 91.
Ca khúc đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Ally khi cô dám bước qua nỗi sợ chính bản thân, rời xa “chiếc bóng” của quá khứ và mạnh mẽ tiến về phía trước.
“I’m Gonna Love Me Again” (2019)
“Tôi sẽ yêu bản thân tôi lần nữa”, câu tuyên ngôn đầy dứt khoát gửi đến người nghe đã chinh phục chiếc cúp Oscar lần thứ 92.
Ca khúc được trình bày bởi giọng ca U80 - Elton John cho tác phẩm “The Rocket," mang cảm giác vui tươi, nhộn nhịp và phảng phất giai điệu của thời xưa.
“Fight For You” (2020)
Dù lời bài hát khắc họa đậm nét tinh thần chiến đấu, bản nhạc phim thuộc tác phẩm “Judas and the Black Messiah” lại sở hữu giai điệu chậm rãi và khá “chill." Theo đó, ca khúc gây ấn tượng khi mở đầu bằng tiếng kèn trumpet, sau đó tiếng nhạc lại trôi chầm chậm khi theo thể loại R&B.
“Tôi sẽ chiến đầu vì bạn” để mang đến tự do cho chúng ta, ca từ đầy truyền cảm đã giúp ca khúc đạt Oscar lần thứ 93.
“No Time To Die” (2021)
Bản nhạc phim thuộc tác phẩm cùng tên và cũng khép lại hành trình của Daniel Craig trong siêu phẩm “James Bond: 007” được trình bày bởi cô nàng Billie Eilish.
Nối tiếp màn thể hiện của Adele và Sam Smith, cô nàng người Anh thành công mang đến màu sắc u tối, đau thương để khắc họa rõ nét số phận và hồi kết của chàng điệp viên 007.
“Naatu Naatu” (2022)
Chủ nhân của chiếc cúp Oscar năm nay là bản nhạc phim hát tiếng Ấn, thuộc tác phẩm Ấn Độ - “RRR."
Chiến thắng này được xem là cú hích mang tính lịch sử khi là đại diện đến từ nền điện ảnh Ấn Độ đã đánh bại hai đề cử nặng ký còn lại là “Lift Me Up” và “Top Gun: Maverick."
“Naatu Naatu” ghi điểm bởi giai điệu và vũ đạo gây nghiện, dễ bắt chước, cũng như được rộng rãi các nước phương Tây đón nhận sau vài tháng ra mắt bộ phim./.