1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Gần 140 người sập bẫy cặp đôi lừa đảo

Gần 140 người sập bẫy cặp đôi lừa đảo

thứ sáu, 2/6/2023 10:30 GMT+07
Dù không có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động sang Úc nhưng Phạm Bá Trạc, Lại Thị Vân vẫn đưa thông tin gian dối, khiến 138 người tin tưởng nộp tiền để cặp đôi này làm hồ sơ và bị chiếm đoạt.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử.

Chiều 1/6, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Lại Thị Vân (43 tuổi, ở Thái Bình) tù chung thân và bị cáo Phạm Bá Trạc (64 tuổi, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) 18 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2017 - 4/2020, Công an Hà Nội nhận được đơn của nhiều người tố cáo Vân và Trạc lừa đảo khi nhận tiền làm thủ tục xin cho họ đi xuất khẩu lao động tại Úc. Khi các bị hại đòi lại tiền thì Trạc, Vân bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền đã nhận.

Theo đó, từ năm 2015 - 2017, Phạm Bá Trạc và Lại Thị Vân không có chức năng, không có khả năng làm thủ tục đưa người khác đi xuất khẩu lao động tại Úc nhưng cả hai vẫn đưa ra thông tin gian dối, giới thiệu với nhiều người rằng Vân nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Bị cáo Trạc được giới thiệu là cán bộ cấp cao trong cơ quan nhà nước, có khả năng xin được cho nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Úc.

Trạc, Vân cam kết người đi xuất khẩu lao động tại Úc sẽ được lao động từ 2-4 năm với mức lương khoảng từ 3.000-4.000 USD/tháng.

Muốn sang Úc làm việc, người lao động phải nộp chi phí từ 5.000-30.000 USD, tùy theo từng công việc.

Đơn cử như lao động làm mía đường có chi phí từ 5.000-10.000 USD/lao động; lao động hái cà chua từ 20.000-30.000 USD/lao động... Sau khi nộp tiền đặt cọc (từ 2.000-10.000 USD) khoảng 3 tháng, người có nhu cầu sẽ được xuất cảnh sang Úc lao động và phải nộp nốt số tiền còn lại.

Để mọi người tin tưởng, các bị cáo đưa họ đến phòng làm việc của Trạc tại một cơ quan nhà nước.

Tin tưởng vào bánh vẽ và thủ đoạn của Vân và Trạc, nhiều người thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nộp tiền và hồ sơ mong muốn lao động tại Úc.

Sau khi nhận tiền, Trạc, Vân tổ chức cho người lao động đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Tràng An, Hà Nội, học tiếng Anh tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo lao động SONA.

Tiếp đến, người lao động được đưa đến một địa điểm ở phố Lò Đúc (Hà Nội) làm các thủ tục lăn tay, chụp ảnh… để làm visa nhằm mục đích tạo niềm tin và kéo dài thời gian chờ đợi của người lao động.

Trong số các nạn nhân, Vân và Trạc chiếm đoạt nhóm anh Phạm Anh T. (42 tuổi, ở Quảng Bình) hơn 10,8 tỉ đồng theo hình thức sang Úc diện bảo lãnh doanh nghiệp.

Anh T. đã nhận tiền của em trai, họ hàng và 28 người khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trạc và Vân đã viết giấy hứa hẹn đưa lao động sang tập đoàn Ydeet, Úc, cam kết trong thời hạn 30 ngày sẽ sang.

Các bị hại không được đi xuất khẩu lao động nên đòi tiền. Trạc, Vân ban đầu viết cam kết sẽ trả lại tiền nhưng sau đó không trả mà bỏ trốn, chiếm đoạt số tiền đã nhận.

Ngày 11/7/2020, bị cáo Trạc đến Cơ quan điều tra đầu thú. Ngày 3/2/2021, Vân bị bắt theo lệnh truy nã của Công an. Vân khai là người quản lý số tiền của các bị hại, người trung gian. Khi Trạc có việc cần sử dụng tiền, Vân đưa tiền. Đến nay, cả hai không có khả năng khắc phục.

Trạc khai, năm 2012, có đến Úc và gặp Lê Cảnh (không rõ nhân thân) và được người này nhờ tìm 500-800 người Việt Nam lao động tại trang trại.

Cảnh đề nghị Trạc tìm người lao động có sức khỏe tốt để làm việc tại trang trại, chi phí mỗi người lao động xuất cảnh sang Úc lao động là 10.000 USD.

Sau khi về nước, Trạc đã nói với Vân và thỏa thuận thu mỗi người 10.500 USD, sẽ đưa cho Cảnh 10.000 USD, còn giữ lại 500 USD để chi tiêu.

Vân có trách nhiệm tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động rồi cùng Trạc thu tiền của người có nhu cầu đi lao động xuất khẩu tại Úc.

Trạc và Vân đã đưa cho Cảnh và một người phụ nữ tên Ngân khoảng hơn 1 triệu USD tại nhiều nơi như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Công an Hà Nội đã đề nghị Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và có văn bản gửi Viện KSNDTC đề nghị ủy thác tư pháp cho Cơ quan Tổng chưởng lý Úc phối hợp xác minh đối với người có tên Lê Cảnh.

Kết quả, Cảnh sát Úc kiểm tra thông tin trên tất cả hệ thống dữ liệu và kết quả kiểm tra xác định không tồn tại Công ty, tập đoàn, tổ chức tên Ydeet.

Trước đó, vụ án này đã từng bị trả hồ sơ do xuất hiện thêm bị hại, nâng tổng số bị hại lên 138 người, với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 38,6 tỉ đồng (trước đó số bị hại là 97 người, số tiền bị chiếm đoạt hơn 29 tỉ).