Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu giá tài sản
Hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa
Theo Cục Bổ trợ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Mai cho biết, trong 05 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS), thể chế về ĐGTS đã được hoàn thiện, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệmcủa người có tàisản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá. Đồng thời, xây dựng cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động ĐGTS phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa do các tổ chức ĐGTS chuyên nghiệp thực hiện, số lượng các loại tài sản được bán thông qua đấu giá theo quy định của Luật ĐGTS đã tăng lên đáng kể.
Số cuộc ĐGTS ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tàisản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn. Theo số liệu thống kê, từ tháng 7/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức ĐGTS đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá,số tiền thù lao dịch vụ ĐGTS thu được đạt hơn 2.096 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng. Qua đó, đóng góp tích cực cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng hoặc có tổ chức đấu giá đã kết hợp linh hoạt nhiều hình thức trong cùng một cuộc đấu giá. Đặc biệt, tổ chức ĐGTS tại một số địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến, góp phần tạo nên hệ thống đấu giá công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát tàisản công, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, một số quy định của Luật ĐGTS hiện đã bộc lộ hạn chế do chưa chặt chẽ, rõ ràng, gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Thực tế đã xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức ĐGTS; một bộ phận đấu giá viên còn chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; tình trạng “sân sau” còn tồn tại…
Giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện bán ĐGTS liên quan đến trách nhiệmcủa tổ chức ĐGTS và cơ quan THADS trong việc xác định thời hiệu, thời điểm sử dụng chứng thư thẩm định giá tài sản; tạm dừng việc bán đấu giá; bàn giao tàisản bán đấu giá thành… Do đó, ông Nguyễn Quang Thái đề nghị khi sửa Luật ĐGTS, cần có quy định riêng về trình tự, thủ tục ĐGTS thi hành án trong Luật ĐGTS; sửa đổi Luật THADS theo hướng tài sản đưa ra bán đấu giá phải là tài sản “sạch”; trình tự, thủ tục bán ĐGTS thi hành phải được rút ngắn.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Tư pháp Quảng Bình đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai Luật ĐGTS tại địa phương, đồng thời đề nghị nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đấu giá viên; phát triển tổ chức ĐGTS; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, thể chế cho hoạt động ĐGTS; xác định rõ hơn phạm vi áp dụng của Luật ĐGTS, mối quan hệ giữa Luật ĐGTS với các luật khác; cần quy định chung và bao quát về trình tự, thủ tục và tính tới đặc thù của mộtsố tàisản bán đấu giá, các quyền và tài sản mang tính đặc thù khác. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động ĐGTS, trong đó chú trọng và tăng cường đấu giá trực tuyến, thực hiện mộtsố công việc qua môi trường mạng. Tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra phải có chế tài mạnh khi xử lý các vi phạm.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu Cục Bổ trợTư pháp tổng hợp, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị để hoàn thiện báo cáo tổng kết; có văn bản hướng dẫn, phương án giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của địa phương. Đối với các Sở Tư pháp, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, trong đó tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức có tài sản bán đấu giá tăng cường trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hậu quả, không để thất thoát tài sản công; vận hành cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá trên địa bàn, đấu tranh phòng chống hiệu quả hiện tượng “đầu gấu”, “bảo kê”, đe dọa, “quân xanh, quân đỏ” …
Đối với các tổ chức hành nghề đấu giá, cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia đấu giá của các tổ chức cá nhân khi có yêu cầu…
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 277 ra ngày 4/10/2022)