1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Bên lề chính sử: Người Việt xưa “sao kê” công khai tiền từ thiện như thế nào?

Bên lề chính sử: Người Việt xưa “sao kê” công khai tiền từ thiện như thế nào?

thứ sáu, 10/9/2021 19:43 GMT+07
(PLM) - Cách đây gần 100 năm, các quỹ từ thiện, các Mạnh Thường Quân đã biết thông qua báo chí để kêu gọi từ thiện ủng hộ đồng bào gặp phải lũ lụt, thiên tai và từ đó lan tỏa tinh thần tương thần tương ái. Cũng chính bằng báo chí, thông tin về số tiền quyên góp và cách thức sử dụng số tiền này được công khai, minh bạch đến toàn dân.

Xuyên suốt lịch sử nước ta đã từng trải qua nhiều cơn bão lũ liên tiếp, kéo dài vô cùng khủng khiếp. Đặc biệt, những năm 1920-1930, tại Bắc Kỳ đã xảy ra trận lụt kinh hoàng do vỡ đê. Năm 1926, mực nước Hà Nội lên tới 11,93m, gây ra vỡ đê tại tả ngạn sông Hồng vùng Gia Quất, Ái Mộ, Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh; vỡ đê hữu ngạn sông Luộc tại Hạ Lao, Văn Quán tỉnh Thái Bình; vỡ đê tả ngạn sông Luộc tại Bô Dương tỉnh Hải Dương. Tổng diện tích đất canh tác bị ngập lụt do vỡ đê khoảng 100.000ha (Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam, bản gốc lưu trữ ngày 10/12/2008). Đến năm 1930-1931, đê ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Kiến An lại vỡ do mưa lớn gây lụt, hàng vạn người dân gặp nạn. Cũng trong những năm 1930, nhiều tỉnh tại khu vực Trung Kỳ, Nam Kỳ cũng xảy ra bão lụt liên miên. Như trận bão lụt ở miền Nam Trung Kỳ năm 1932 khiến cho cả tỉnh Phan Thiết “phải chìm trong cảnh mưa trời, bão biển, nước dâng cao đến 5 thước, ngập lụt cả triền sông”. (“Một trận mưa bão ngất trời đã tàn phá một miền Nam Bộ xứ Trung Kỳ suốt từ Ba Ngòi đến Phan Thiết”, Hà Thành ngọ báo, số 1423, ngày 30/5/1932). Hay các trận bão lụt lớn những năm 1930, 1934, 1935 tại các tỉnh Cà Mau, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Biên Hòa,… khiến cho một dải đất từ Trung Kỳ đến Nam Kỳ phải khốn đốn.

Tất cả những thông tin đó đều được phản ánh chân thực trên nhiều tờ báo đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, giai đoạn báo chí Việt Nam nở rộ với nhiều tờ báo như: Hà Thành Ngọ Báo, Tràng An báo, Trung Bắc Tân Văn, Công Luận báo,... Đặc biệt, ngoài đăng thông tin về tình hình lũ lụt, các trang báo còn đăng công khai, minh bạch số tiền mà các quỹ từ thiện, các Mạnh Thường Quân quyên góp cho nạn dân nơi bão lũ.

Năm 1933, Ban Cứu tế nạn dân bị bão lụt ở Trung Kỳ đã được thành lập tại Huế, dựa vào lòng từ thiện của dân chúng để lấy tiền tuất cấp cho người bị nạn lụt. Theo Hà Thành Ngọ Báo, đợt quyên góp đầu tiên của ban này, vua Bảo Đại đã quyên góp 1.000p (1.000 đồng), các bà công chúa Mỹ Lương, Tân Phong, Ngọc Lâm tổ chức liền ba tối múa hát để kêu gọi ủng hộ (“Hoàng Thượng quyên một ngàn đồng”, Hà Thành ngọ báo, số 1865, ngày 21/11/1933).

Trên Tràng An báo năm 1936, cũng đăng bài “Kết quả cuộc chợ đêm hội quảng tri Trung Kỳ tổ chức ngày 31 Octobre 1936 để giúp nạn dân bị lụt ở Bắc Kỳ” công khai số tiền hội Quảng Tri tổ chức “Cuộc chợ đêm hội Quảng Tri Trung Kỳ” để giúp nạn dân bị lụt ở Bắc Kỳ, thu tiền quyên góp bằng nhiều cách khác nhau. Bài viết liệt kê, trong số tiền thu được có tiền quyên góp của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, số tiền bán vé vào xem, số tiền các nhà hảo tâm vào xem biếu tặng, số tiền thu ở các trò chơi trong buổi chợ đêm, số tiền bán đồ đạc, bánh trái, và số tiền quảng cáo,… (“Kết quả cuộc chợ đêm hội quảng tri Trung Kỳ tổ chức ngày 31 Octobre 1936 để giúp nạn dân bị lụt ở Bắc Kỳ”, Tràng An báo, số 173, ngày 14/11/1936).

Kết quả cuộc chợ đêm hội quảng tri Trung Kỳ tổ chức ngày 31-10-1936 để giúp nạn dân bị lụt ở Bắc Kỳ đăng trên Hà Thành Ngọ Báo năm 1936 (Ảnh: Tư liệu).

Những năm 1930, xuất hiện liên tiếp thông tin về việc lập sổ quyên của các báo, các hội, như: “Cứu tế nạn bão lụt ở Trung Kỳ: sổ quyên của báo Công Luận”, “Sổ quyên tiền của Trung kỳ Ái hữu” (Công Luận báo, số 2509, ngày 9/10/1932), “Sổ quyên của báo Tràng An giúp dân bị lụt ở Bắc Kỳ” (Tràng An báo, số 261, ngày 5/10/1937),… Sổ quyên từ thiện đều được cập nhật liên tục, công khai, minh bạch trên mặt báo, cho toàn dân đều rõ.

Bấy giờ, nhiều rạp hát, gánh hát cũng tình nguyện đóng góp vào công cuộc cứu giúp đồng bào gặp nạn lũ, như ban Trọng Nghĩa hay Cải lương hí viện,… Số tiền quyên góp và cách thức phân chia số tiền cứu trợ này cũng được công khai trên báo chí: “Cách đây ít lâu, Cải lương hí viện có diễn một tấn hát lấy tiền giúp dân bị bão lụt hôm 30 Juillet vừa rồi. Hôm ấy bà con Hà Thành chiếu cố rất đông, tiền thu được 240 đồng (hơn 4 tấn gạo), rạp Cải lương chia ra làm ba, gửi xuống Nam Định, Thái Bình và Kiến An mỗi tỉnh 80 đồng gọi là của ít lòng nhiều cứu giúp anh em bị nạn” (“Rạp cải lương hí viện đối với dân bị bão lụt”, Hà Thành ngọ báo, số 659, ngày 14/10/1929).

Sổ quyên của Bắc Kỳ Tập Thiện Phả và Tràng An báo ở Huế giúp dân bị lụt ở Bắc Kỳ (Ảnh: Tư liệu).

Thậm chí số tiền của kiều bào nước ngoài là các binh lính trong cơ binh Đông Pháp ở tận Beyrouth [Bây-rút, Libăng] xa xôi “vừa hay được tin bão lụt đã tàn phá miền Bắc xứ Trung Kỳ bèn chung nhau góp một số tiền là 600 quan (60 đồng bạc, khoảng 12 tạ gạo) để gửi về giúp cho đồng bào bị nạn” cũng được đăng tải rõ ràng trên Hà Thành Ngọ Báo (“Cứu giúp nạn dân trung kỳ: Một điều nghĩa cử của anh em trong cơ binh Đông Pháp ở Beyrouth”, Hà Thành ngọ báo, số 2257, ngày 8/3/1935).

Thế mới thấy, người Việt cách nay cả trăm năm, không chỉ hăng hái, nhiệt tình quyên góp từ thiện cứu giúp đồng bào, mà còn lưu ý đến việc công khai, minh bạch tiền quyên góp, tránh những hiểu nhầm đáng tiếc, dễ làm mất đi nét đẹp truyền thống về tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc!

Có thể bạn quan tâm