1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Kỳ vọng vào văn học trinh thám Việt từ các tác giả trẻ

Kỳ vọng vào văn học trinh thám Việt từ các tác giả trẻ

thứ tư, 10/1/2024 22:26 GMT+07
Xuất hiện thêm nhiều tác giả trẻ say mê với trinh thám, và một số lượng bạn đọc trẻ nhiệt huyết, sẵn sàng đón nhận và đóng góp ý kiến cho trinh thám Việt đang là những điều kiện tốt để kỳ vọng vào sự phát triển của dòng văn học vốn xuất phát từ lâu nhưng tuổi đời vẫn khá non trẻ này.
Nhà văn Phong Điệp, dịch giả Hoàng Anh, nhà văn Di Li và Giám đốc, Tổng Biên tập Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ về văn học trinh thám. Nhà văn Phong Điệp, dịch giả Hoàng Anh, nhà văn Di Li và Giám đốc, Tổng Biên tập Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ về văn học trinh thám.

Dòng sách trinh thám Việt lâu nay vốn được khá nhiều độc giả ưa chuộng nhưng số lượng tác giả lại chưa nhiều. Phần lớn độc giả hiện nay tìm đọc các tác phẩm trinh thám từ văn học nước ngoài, trong đó chủ yếu là các tác giả từ châu Âu. Số lượng tác giả trinh thám Việt hiện đại không nhiều, có thể điểm tên một số tác giả tên tuổi được yêu thích như Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Giản Tư Hải… Một số tác giả khác viết đa dạng, và có “đá” sang trinh thám, mới đây nhất là Phong Điệp với “Cuốn sổ máu”.

Thời gian gần đây, một số tác giả trẻ bắt đầu nổi lên từ những hiện tượng văn học mạng, với mảng đề tài khá mới mẻ là trinh thám khai thác yếu tố linh dị dân gian. Một loạt tác giả trinh thám thế hệ mới cũng xuất hiện, với những hướng khai thác độc đáo, gần gũi, phù hợp với giới trẻ, có sức hấp dẫn trong từng tác phẩm, như Kim Tam Long, Đức Anh, Thảo Trang, Nguyễn Dương Quỳnh…

“Tết ở làng địa ngục”, tác phẩm khai thác yếu tố dân gian ăn khách hiện nay. (Ảnh: Đinh Tị Books)
“Tết ở làng địa ngục”, tác phẩm khai thác yếu tố dân gian ăn khách hiện nay. (Ảnh: Đinh Tị Books)

Thậm chí, có những tác giả trở thành best seller trong thời điểm sách nói chung và sách văn học nói riêng vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn trên thị trường, tiêu biểu là “Tết ở làng địa ngục” của tác giả trẻ Thảo Trang, với số lượng phát hành khoảng 12 nghìn bản và mới được tái bản. Chưa kể, “Tết ở làng địa ngục” còn được dựng thành phim và cũng thu hút sự chú ý của khán giả trẻ.

Tác giả Đức Anh, đại diện cho Linh Lan Books, một đơn vị xuất bản thiên về dòng văn học trinh thám linh dị cho biết, năm nay mặc dù kinh tế gặp khủng hoảng, sức mua của nhiều mặt hàng đi xuống nhưng ngược lại, sách trinh thám xuất bản rất nhiều. Về mặt đón đọc, ủng hộ trinh thám Việt Nam, Đức Anh cho biết, độc giả Việt ủng hộ trinh thám Việt không hề kém cạnh so với trước đây, thậm chí ngày càng tăng.

Tác giả Đức Anh cũng chia sẻ, thời gian gần đây, xuất hiện một số tác giả gen Z viết trinh thám khá ăn khách, có khi số lượng phát hành đạt đến mười mấy nghìn bản. Số lượng tác giả trẻ cũng tăng lên, chất lượng tác phẩm cũng tăng. Xuất hiện hai mảng đề tài rõ rệt, một là khai thác chất liệu dân gian, các vụ án cũ, và một mảng là khai thác chất liệu đô thị của Việt Nam. “Đây là dấu hiệu đáng mừng, vì hiện nay chúng ta đang có chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa. Trinh thám và kinh dị sẽ là những dòng văn học dẫn đầu cho xu hướng này” – Đức Anh cho biết.

Bạn đọc xếp hàng chờ ký sách khi tác giả trinh thám Pháp Michael Bussi sang Việt Nam.
Bạn đọc xếp hàng chờ ký sách khi tác giả trinh thám Pháp Michael Bussi sang Việt Nam.

Hiện nay, cộng đồng đọc và chia sẻ sách trinh thám ở Việt Nam hoạt động khá sôi nổi, với nhiều hội nhóm, không chỉ chia sẻ, đóng góp thông tin về các tác phẩm trinh thám nước ngoài được yêu thích, mà còn ưu ái đón nhận đối với các tác giả trinh thám Việt. Các cộng đồng độc giả trinh thám này cũng có khá nhiều hoạt động liên quan đến quảng bá, chia sẻ, review các tác phẩm trinh thám, giao lưu với tác giả, trò chuyện về các vấn đề liên quan đến văn học trinh thám.

Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng độc giả trinh thám này cũng là nguồn cảm hứng cho các đơn vị xuất bản liên tục cho ra những đầu sách trinh thám mới. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết văn học trinh thám ở Việt Nam hiện nay được độc giả đón nhận khá tốt, đặc biệt là độc giả trẻ. Có những tác giả không cần làm truyền thông nhiều nhưng vẫn có đầu ra khá tốt, thí dụ như tác giả Italia Donato Carrisi.

Tuy nhiên, tác giả Đức Anh cũng cho rằng, đối với mảng đề tài tâm lý tội phạm, hiện nay ở Việt Nam chưa đa dạng bằng các quốc gia khác như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italia, mặc dù mảng văn học trinh thám khá phát triển. Theo Đức Anh, có lẽ do đặc thù xã hội, văn hóa của Việt Nam khác, và anh cũng đặt hy vọng trong thời gian tới các mảng đề tài trinh thám sẽ đa dạng hơn.

“Chúng ta có thuận lợi là có đa dạng văn hóa, lịch sử, lại tiếp thu các vấn đề trên thế giới rất nhanh. Hy vọng các tác giả đi trước và các tác giả trẻ sẽ tiếp tục khai phá thêm các mảng đề tài trinh thám và mạnh dạn gửi cho các đơn vị xuất bản” - Đức Anh chia sẻ.

Sự đón đợi của độc giả trinh thám Việt cũng đã xây dựng niềm hy vọng về một hệ sinh thái văn học trinh thám đối với các đơn vị xuất bản.

“Khi dự hội sách Frankfurt (Đức), chúng tôi thấy rất nhiều nhóm độc giả trinh thám tụ lại với nhau trò chuyện về các tác phẩm. Điều này gợi cảm hứng cho chúng tôi về một hệ sinh thái văn học trinh thám ở Việt Nam” - bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng cũng bày tỏ mong muốn sẽ xây dựng được hệ sinh thái này để thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn. “Chúng ta có thể kỳ vọng vào một nền văn học Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trong đó có văn học trinh thám” – Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam bày tỏ.

Nguồn: https://nhandan.vn/ky-vong-vao-van-hoc-trinh-tham-viet-tu-cac-tac-gia-tre-post791327.html