1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Ngành Du lịch hướng tới phục hồi hoàn toàn vào năm 2025

Ngành Du lịch hướng tới phục hồi hoàn toàn vào năm 2025

thứ năm, 18/8/2022 10:07 GMT+07
(PLM) - Dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành Du lịch như trước đại dịch COVID-19.

Nhiều nhiệm vụ mới

Dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Dự thảo) đang trong giai đoạn lấy ý kiến, góp ý, sau đó hoàn thiện trong năm 2022. Đây sẽ là bản quy hoạch quan trọng của ngành Du lịch, thay cho Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013, để phát triển bài bản, lâu dài trong thời gian tới. Đồng thời, Dự thảo cũng nhằm cụ thể hoá những quan điểm, định hướng Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020.

Tại Hội thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 vừa qua, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, quy hoạch lần này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành du lịch như trước đại dịch COVID-19. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Dự thảo quy hoạch xác định 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam trong giai đoạn này, bao gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là du lịch biển đảo, tập trung huy động nguồn lực xây dựng vịnh Hạ Long – Bái Tử Long (Quảng Ninh), vịnh Vân Phong – Nha Trang – Cam Ranh (Khánh Hoà), đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và một số bãi biển đẹp tại thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định)… thành những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển du lịch của nước ta hiện nay, đó là du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao. Cụ thể, du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp khai thác tài nguyên tự nhiên từ khí hậu, nguồn khoáng nóng... Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đặc biệt là du lịch thể thao gắn với thể thao biển, du lịch mạo hiểm, du lịch golf đều là những loại hình đang phát triển mạnh thời gian gần đây.

Đánh giá về Dự thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chỉ ra, quy hoạch mới cần quan tâm đến yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch và các vấn đề đô thị du lịch, đô thị văn hóa, đô thị di sản bởi Việt Nam có quỹ đô thị di sản ở các địa phương rất quý giá cần phải được giữ gìn, tôn tạo và phát triển. Đồng thời, cũng cần làm đậm nét hơn quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng miền; làm rõ hơn các giải pháp chuyển đổi số để phát triển du lịch phù hợp theo lộ trình; nên quy hoạch vùng theo hướng mở, gắn với thế mạnh và vai trò động lực trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch; thúc đẩy phát triển kinh tế đêm để thu hút du khách quốc tế.

Nâng cao thương hiệu bằng các khu du lịch quốc gia

Đặc biệt trong Dự thảo, vấn đề xác định và công nhận các địa bàn tiềm năng trở thành khu lịch quốc gia (KDLQG) được nhiều địa phương quan tâm.

Hiện tại, trên cả nước có khoảng 50 địa điểm tiềm năng phát triển thành KDLQG, dự kiến giai đoạn 2021 – 2030 sẽ có 64 địa điểm tiềm năng phát triển thành KDLQG. Tuy nhiên, cả nước hiện mới chỉ có 7 KDLQG được công nhận, bao gồm: hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mũi Né (Bình Thuận), Trà Cổ (Quảng Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ) và núi Sam (An Giang).

Có nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát lại và làm rõ các tiêu chí đối với KDLQG bởi địa phương nào cũng muốn có KDLQG để nâng cao thương hiệu du lịch. Trong Dự thảo hiện tại, nhiều địa điểm được bổ sung vào danh mục KDLQG trải dài trên khắp cả nước. Trong đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đề xuất bổ sung vào hệ thống quy hoạch KDLQG một số địa điểm như: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); khu du lịch Đồng Mô (thị xã Sơn Tây) nhằm thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển hơn.

Nhưng việc công nhận các KDLQG chỉ góp phần phát triển du lịch tại địa phương không phải yếu tố quyết định. Để du lịch địa phương phát triển bền vững, ngành du lịch cả nước hoàn toàn phục hồi vào năm 2025, cần phải tích cực triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 230 ra ngày 18/8/2022)