Độc đáo nghề dệt của người Thu Lao ở Si Ma Cai
Nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt của người Thu Lao, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai” vừa được Bộ VHTT&DL đa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dệt vải là nghề thủ công truyền thống có từ rất lâu đời của người Thu Lao ở Si Ma Cai. Nghề này đã được trao truyền qua nhiều thế hệ, với nhiều công đoạn đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và sức sáng tạo riêng của mỗi người.
Thời gian phụ nữ Thu Lao làm nghề dệt vải cũng chính là thời điểm nông nhàn nhất trong năm - thường bắt đầu từ tháng 10, 11 - bởi đây là thời điểm kết thúc vụ thu hoạch lúa, ngô, sa nhân.
Người Thu Lao trồng bông vào tháng 2, đến tháng 8 bông chín thì thu hoạch quả rồi phơi khô, dùng dụng cụ cán, tách hạt bông riêng, phơi khô hạt để sang năm gieo trồng.
Bông tách hạt xong, phụ nữ Thu Lao dùng dụng cụ bật bông, đánh tơi bông, tiếp đến là công đoạn quấn vào que và lăn trên mặt bàn thành các con bông dài.
Theo tục lệ truyền thống, ngày kéo sợi là ngày tốt của gia đình và phải là ngày nắng, người Thu Lao kiêng chọn ngày mưa để sợi kéo được nhanh, mắc sợi vào khung được suôn sẻ, thuận lợi.
Từ các ống sợi tiếp tục đến khâu nối sợi thành các sợi dài bằng một dụng cụ cầm tay… Trải qua nhiều công đoạn, sợi bông sẽ được quay thành các ống suốt để đưa vào con thoi dệt ra tấm vải.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, người Thu Lao ở huyện Si Ma Cai có dân số khoảng hơn 1.000 người, tập trung ở xã Thào Chư Phìn, xã Nàn Sán; xã Bản Mế.
Trang phục của người Thu Lao lấy màu chàm đen là chủ đạo nhưng lại điểm xuyết họa tiết, hoa văn ở hai đầu khăn quấn, táp vải hoa ở cạp bên trong của váy, táp vải ở hai đầu gấu tay áo, ở dây thắt lưng...
Phụ nữ Thu Lao khoảng hơn 20 tuổi thì bắt đầu học nghề dệt, thêu dệt do các mẹ, các bà, các chị dạy, truyền nghề. Hiện nay, số lượng nghệ nhân trong cộng đồng người Thu Lao biết nghề dệt có khoảng 70 người.
Nghề dệt của người Thu Lao ở Si Ma Cai gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân, thể hiện vị trí, vai trò của người phụ nữ. Việc nghề dệt của người Thu Lao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này.