1. Trang chủ /
  2. Văn hóa - Giải trí /
  3. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

thứ năm, 18/11/2021 09:30 GMT+07
(PLM) - Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” quy tụ 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu; 123 tài liệu, hiện vật quý hiếm được thể hiện qua 6 chuyên đề theo dòng chảy văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại triển lãm

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức, được khai mạc ngày 16/11 nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11/2021 tới đây. Tới dự và cắt băng khai mạc triển lãm có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội.

Gần 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật đặc biệt được trưng bày theo các chuyên đề: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Có thể nói triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã mang tới một cái nhìn về diện mạo tổng quát cũng như những điểm nhấn về quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, với sứ mệnh “soi đường”.

Hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam là những điểm nhấn quan trọng tại triển lãm. Khắc họa những tư tưởng của Bác về văn hóa, triển lãm trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Người về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học Việt Nam như Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28/2/1957; Sách “Con người xã hội chủ nghĩa”, xuất bản năm 1961…

Các đại biểu tham quan triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Nhiều hiện vật đã nhuốm màu thời gian, năm tháng nhưng ở đó vẫn còn vẹn nguyên giá trị của những bài học lịch sử, những thông điệp “truyền lửa” sức mạnh, niềm tin từ văn hóa.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước và cách đây 75 năm về trước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất Bác Hồ khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Triển lãm diễn ra từ ngày 16/11-27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và ngày 24/11/2021 tại tầng một Nhà Quốc hội, số 1 đường Độc Lập, quận Ba Đình, Hà Nội. Triển lãm cũng được tổ chức online trên website: http://trienlamvhnt.vn từ ngày 16/11-31/12/2021.

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, nhân kỷ niệm 75 năm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946-24/11/2021) và để triển khai quán triệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa, trong thời gian qua, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo tổ chức Hội nghị đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong đó, xác định triển lãm văn hóa nghệ thuật là một trong những nội dung tập trung ưu tiên thực hiện nhằm quảng bá những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; trách nhiệm bảo vệ, phát huy, giữ văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” được chuẩn bị công phu, có quy mô lớn giới thiệu tới đông đảo công chúng những nội dung cốt lõi về sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc, tuyên truyền để người dân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ nhận thức sẽ chuyển thành hành động thiết thực triển khai một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Mới đây, ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Theo đó, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… là nhiệm vụ trọng tâm Chiến lược.

Bên cạnh đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người...

Ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Như vậy là 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hội nghị sẽ đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.